Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn

Việt Nga| 11/11/2020 06:10

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, dự kiến trong tháng 12-2020, bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ được ban hành. Bên cạnh hệ thống quy định pháp luật, việc sử dụng mạng xã hội còn được điều chỉnh bằng quy định "mềm", qua đó góp phần mang lại hiệu quả, an toàn cho người sử dụng.

Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn học sinh Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm) sử dụng mạng xã hội an toàn.

Nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội

Cùng với thông tin bổ ích, tích cực, mạng xã hội cũng là nơi xuất hiện, phát tán thông tin giả, tin sai sự thật (fake new), thông tin xúc phạm cá nhân, tổ chức... Những thông tin xấu độc (gồm cả video clip) được tán phát dưới dạng chia sẻ (share), thích (like), xem (view), bình luận (comment) nếu người dùng thiếu hiểu biết và thiếu kỹ năng sử dụng mạng xã hội.

Đơn cử như hồi tháng 4-2020, trong khi cả nước chống dịch Covid-19 quyết liệt lại có không ít thông tin sai sự thật, gán ghép, tung tin nạn nhân tử vong vì Covid-19 hoặc nghe nói nơi này bị cách ly, nơi kia sắp bị phong tỏa, thậm chí quảng cáo cả thuốc chữa khỏi Covid-19, bịa đặt chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh... gây hoang mang cho xã hội. Hay mới đây, không ít trường hợp lợi dụng tình hình bão lũ tại các tỉnh miền Trung, đưa thông tin giả để câu like, câu view trên mạng xã hội; giả mạo tài khoản của người nổi tiếng kêu gọi cứu trợ nhằm trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời điểm tháng 4-2020, hàng trăm người đã bị phạt hành chính do đưa tin sai sự thật về dịch Covid-19. Còn theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong hơn 2 năm qua, cơ quan chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 6.300 video clip, cùng nhiều kênh YouTube đăng tải video clip nhảm nhí, có nội dung bạo lực, phản cảm, cổ xúy tệ nạn xã hội…; yêu cầu Facebook gỡ bỏ gần 550 bài viết, tài khoản cá nhân, fanpage có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật… Nguy hại là nhiều kênh YouTube nhảm nhí bị gỡ bỏ từng thu hút hàng triệu người theo dõi.  

Nói về các vi phạm trên mạng xã hội, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, hầu hết trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật đều nhằm mục đích tăng lượng truy cập (câu view) để quảng cáo bán hàng qua mạng. Rõ ràng trong vô vàn thông tin trên mạng xã hội, người sử dụng cần nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội, nhận thức, phân biệt thông tin đúng, cùng sự thận trọng khi chia sẻ, bình luận.

Mạng xã hội mang lại lợi ích thiết thực cho các bạn trẻ trong học tập nếu biết phát huy và khai thác đúng mục đích. Ảnh: Sơn Hà

Điều chỉnh 3 nhóm đối tượng

Thực hiện Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24-11-2017 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.

Theo ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cơ quan soạn thảo, bộ quy tắc được xác định có tầm ảnh hưởng rộng cả trong và ngoài nước, liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, đối ngoại. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến để tạo được sự đồng thuận và bảo đảm chất lượng nội dung. Bộ quy tắc hướng đến ba nhóm đối tượng, gồm: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức và cá nhân sử dụng mạng xã hội; các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.

“Nội dung bộ quy tắc được xây dựng trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành; mang tính hướng dẫn, khuyến nghị, mà cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức, hành vi, nhằm giáo dục ý thức, bước đầu tạo thói quen ứng xử tích cực của người dùng trên mạng xã hội”, ông Đỗ Quý Vũ thông tin thêm.

Chẳng hạn, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội, nội dung quy tắc chú trọng hơn đến hướng dẫn, khuyến nghị chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội.

Đối với tổ chức, cá nhân sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, yêu cầu trước hết là phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Mọi hành vi ứng xử trên mạng xã hội phải phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, người dùng và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải hướng dẫn, giáo dục trẻ em sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ xây dựng hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh dành riêng cho trẻ em, trong đó chú trọng đến các nội dung về bạo lực tinh thần và cách ứng xử.

Cũng theo ông Đỗ Quý Vũ, sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện dự thảo bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cũng như đề xuất thẩm quyền ban hành, trình Chính phủ xem xét. Dự kiến, trong tháng 12-2020, bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành, giúp người dùng mạng xã hội hiểu hơn và có hành động tích cực khi tham gia môi trường mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.