(HNM) - Thống kê mới đây cho thấy, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nắm giữ 70% tổng tài sản cố định, 20% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng ngân hàng và 70% nguồn vốn ODA… của quốc gia.
Để quản lý hiệu quả nguồn vốn tại các DNNN, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện quy chế giám sát tài chính (GSTC) với khối DN này và sẽ thực hiện trong quý III năm 2011. Quy chế GSTC được áp dụng với 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang hoạt động kinh doanh tại những ngành nghề quan trọng.
Điện lực nằm trong danh sách thực hiện quy chế giám sát tài chính. Ảnh: Ngọc Hà
Theo các chuyên gia, việc thiết lập quy chế GSTC tại DN có vốn nhà nước là cần thiết nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước, bởi nguồn vốn này dù ít hay nhiều cũng là tiền đóng thuế của người dân. Thống kê mới đây cho thấy, các DNNN đang nắm giữ khối tài sản quốc gia khổng lồ, gồm 70% tổng tài sản cố định, 20% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng ngân hàng và 70% nguồn vốn ODA… Báo cáo của 21 tập đoàn, tổng công ty 91 (trừ Tập đoàn kinh tế Vinasin) cho thấy, đến tháng 2-2011 tổng vốn chủ sở hữu toàn khối đạt 540.701 tỷ đồng. Thời gian qua, các tập đoàn, tổng công ty 91 đã thể hiện vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm sản xuất, tiêu dùng và thực hiện có hiệu quả trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, kết quả do Kiểm toán Nhà nước công bố cũng cho thấy, một số DNNN kinh doanh tại những lĩnh vực quan trọng, được ưu đãi đặc biệt về vốn, tài sản, nhưng hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ kéo dài. Không ít DN đã quản lý nguồn vốn nhà nước lỏng lẻo, dẫn đến những sai phạm tài chính nghiêm trọng, gây thất thu lớn cho ngân sách.
Đại diện Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, trong bối cảnh chưa có hệ thống đầy đủ nhằm giám sát, đánh giá một cách thống nhất, toàn diện về hiệu quả hoạt động kinh tế của DNNN, thì việc tăng cường GSTC với khu vực DN này rất cần thiết. Theo quy chế GSTC do Bộ Tài chính xây dựng, sẽ áp dụng chế độ GSTC với những DN do Nhà nước là chủ sở hữu và DNNN có vốn góp chi phối, trong đó tập trung giám sát việc quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại DN. Nội dung được giám sát, gồm danh mục các dự án đầu tư, nguồn vốn huy động để đầu tư, hiệu quả đầu tư vốn ra ngoài DN; tình hình quản lý công nợ và khả năng thanh toán nợ của DN; tình hình bảo toàn và phát triển vốn của DN; kết quả hoạt động kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn…
Với những DN mà vốn góp của Nhà nước không đóng vai trò chi phối, Bộ Tài chính sẽ giám sát tình hình tăng giảm vốn điều lệ, đầu tư dự án, nhượng bán tài sản có giá trị lớn… Mỗi DN chịu trách nhiệm giám sát từ bên trong để phát hiện kịp thời những tồn tại và ngăn chặn rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD). Việc giám sát nội bộ DN, được thực hiện theo quy định của Luật DN, quy chế quản lý tài chính DN… Phía chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước về tài chính sẽ giám sát từ bên ngoài nhằm đánh giá thuận lợi, khó khăn, những tồn tại của DN và kiến nghị giải pháp khắc phục kịp thời. Định kỳ 6 tháng và hằng năm, DN và người đại diện phần vốn nhà nước tại DN phải lập báo cáo GSTC theo biểu mẫu của Bộ Tài chính. Trường hợp DN có dấu hiệu mất an toàn tài chính, chủ sở hữu phải thực hiện chế độ GSTC đặc biệt. Định kỳ hàng quý, DN phải báo cáo giám sát tình hình tài chính. Trên cơ sở đó, chủ sở hữu sẽ phân tích, đánh giá đưa ra khuyến nghị với DN. Trường hợp cần thiết, có thể trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.
Được biết, 22 tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện quy chế GSTC, gồm các tập đoàn: Điện lực, Dầu khí, Công nghiệp than - khoáng sản, Bưu chính Viễn thông, Công nghiệp tàu thủy, Dệt - May, Viễn thông Quân đội, Sông Đà, Kinh doanh phát triển nhà và đô thị, Công nghiệp hóa chất, Công nghiệp cao su. Các tổng công ty: Hàng hải, Hàng không, Đường sắt, Xi măng, Thép, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Cà phê, Giấy, Thuốc lá, Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Việc áp dụng quy chế GSTC với những đơn vị này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước tại các DN, đồng thời hạn chế tình trạng quản lý lỏng lẻo, dẫn đến sai phạm nghiêm trọng về tài chính, gây thất thu cho ngân sách.
Theo quy chế của Bộ Tài chính, DN thuộc diện mất an toàn về tài chính là những DN tại thời điểm lập báo cáo có tình hình tài chính, hoạt động SXKD rơi vào một trong các trường hợp: kinh doanh thua lỗ, hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá 3 lần; số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5%. Những DN vi phạm không trích lập dự phòng, phân bổ sai chi phí làm sai lệch lớn đến kết quả kinh doanh (từ lãi thành lỗ, hoặc từ lỗ thành lãi); báo cáo sai sự thật tình hình tài chính của DN đều phải giám sát tài chính đặc biệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.