Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để sản phẩm OCOP Hà Nội vươn xa

Nguyễn Mai| 26/05/2023 07:35

(HNM) - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, thành phố Hà Nội đã có 2.167 sản phẩm được đánh giá, công nhận. Là vùng đất trăm nghề cùng với rất nhiều nông sản đặc sản, thành phố vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thêm sản phẩm OCOP. Cùng với thúc đẩy điều này, Hà Nội tiếp tục tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại để OCOP của Thủ đô vươn xa tới các thị trường trong và ngoài nước.

Vận chuyển hoa hồng thành phẩm tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh). Ảnh: Khánh Huy

Khai thác lợi thế của địa phương

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) là người nổi tiếng với sản phẩm tơ tằm tự dệt và tơ sen. Đầu năm 2023, bà Thuận đã có sản phẩm “Chăn bông tơ tằm tự dệt” được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương công nhận đạt 5 sao. Không chỉ vậy, bà Thuận còn nhiều sản phẩm khác, như: “Khăn lụa tơ tằm”, “Khăn lụa tơ sen” được thành phố đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP.

Bà Phan Thị Thuận chia sẻ, xã Phùng Xá có nghề dệt truyền thống, nhưng mức lan tỏa chưa cao. Từ khi được tham gia Chương trình OCOP của thành phố, sản phẩm của làng nghề cùng với sản phẩm lụa tơ tằm, tơ sen do cơ sở nghiên cứu, sản xuất đã được nhiều người biết đến, sức tiêu thụ tốt hơn. Nhiều sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu tới Nhật Bản, Đức, một số nước thuộc khu vực Trung Đông...

Nếu như ở xã Phùng Xá, nhiều chủ thể phát huy lợi thế từ sản phẩm dệt lụa, khăn bông, thì ở huyện Mê Linh người dân cũng có cách làm tương tự. Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, đến nay, huyện có 75 sản phẩm OCOP, trong đó có 43 sản phẩm của 9 chủ thể tiêu biểu được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận bảo hộ nhãn hiệu, như: Hoa hồng Mê Linh, củ cải trắng Đông Cao, quả bưởi đỏ Đông Cao, cây hoa đào Phù Trì...

Còn tại huyện Chương Mỹ, chính quyền địa phương đã khai thác lợi thế từ các làng nghề truyền thống. Huyện đã lựa chọn, đánh giá được 104 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, chiếm số lượng lớn là các sản phẩm mây, tre, giang đan của các nghệ nhân làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa).

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, lũy kế đến nay, thành phố đã có 2.167 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực (bao gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao). Với số lượng này, Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên), mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất.

Nhiều dư địa để phát triển

Theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm, thành phố sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên. Và với nhiều dư địa để phát triển, việc thực hiện mục tiêu này của thành phố sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần thiết thực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, hiện nay, Hà Nội còn 806 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Hà Nội cũng có hơn 11.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code; có 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; 149 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp… Đó là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm OCOP. Không chỉ với các sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề ở ngoại thành, ngay trong nội thành, các địa phương cũng có những lợi thế riêng. Chẳng hạn, các sản phẩm OCOP độc đáo, như: Trà sen Tây Hồ, bánh trung thu Bảo Phương, cá kho chợ Hàng Bè, đào, quất Nhật Tân, bún ốc Bà Ngoại… đã được đánh giá, phân hạng OCOP các năm qua.

Bên cạnh phát triển sản phẩm mới, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cũng lưu ý các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn (36 tháng). Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hằng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện chủ trương của thành phố, tại huyện Đan Phượng, 97 sản phẩm đã được đánh giá phân hạng OCOP của huyện đã được cập nhật lên trangdulichdanphuong.com và tuyên truyền các chủ thể tham gia sàn thương mại điện tử Voso, Postmart. Còn mới đây, huyện Thanh Trì cũng đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội chợ giống vật tư, thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, giúp quảng bá hàng trăm các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô.

Với sự vào cuộc đồng bộ, chủ động của các cấp, các ngành và các chủ thể, chắc chắn thành phố sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và tăng sức tiêu thụ trong, ngoài nước, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để sản phẩm OCOP Hà Nội vươn xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.