(HNM) - Với bề dày và chiều sâu của 25 năm, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” ngày càng có sức lan tỏa và là “sản phẩm” đặc sắc, ấn tượng nhất trong các phong trào thi đua yêu nước của TP Hà Nội. Như những bông hoa đẹp, mỗi gương người tốt, mỗi việc làm tốt đã góp phần nhân lên những biểu tượng thiết thực, hữu ích đáng trân trọng trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực và toàn xã hội.
Không khó để kể về những tấm gương bình dị, gần gũi xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Không tô vẽ, khuếch trương, những con người ấy sống và làm việc như một lẽ thường tình, vì lương tâm, trách nhiệm của bản thân trước tập thể, trước cộng đồng. 790 gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu cấp thành phố được lựa chọn từ 11.250 “Người tốt, việc tốt” cấp cơ sở cùng 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” được vinh danh năm 2017 tiếp thêm niềm tự hào của Thủ đô cũng như động lực tạo sự thay đổi tích cực trong toàn xã hội.
Những nhân tố mới, những gương điển hình tiên tiến là kết quả của quá trình lao động, sáng tạo, là sự đấu tranh với cái cũ và sức ỳ cố hữu trong mỗi con người. Do đó, trong mỗi giai đoạn, ở mỗi thời kỳ, phong trào lại có những đòi hỏi khác nhau. Với Hà Nội, phong trào “Người tốt, việc tốt” đã sống cùng đời sống xã hội một cách đậm sâu và theo thời gian, phong trào đã có thay đổi nhất định cho phù hợp với xu thế phát triển. Đặc biệt, trong những năm gần đây, công tác thi đua khen thưởng được điều chỉnh, hướng đến sự thay đổi về chất. Theo đó, việc đánh giá “Người tốt, việc tốt” luôn đề cao và coi trọng sự thực chất, kịp thời và ngày càng hướng mạnh về cơ sở, trực tiếp là người lao động. Đây là sự tri ân, đánh giá cao của thành phố với người lao động. Từ sự biểu dương đúng và trúng ấy, những nhân tố mới sẽ được nhân rộng, bám rễ sâu trong đời sống xã hội.
Với ý nghĩa sâu sắc như vậy, việc triển khai và thực hiện phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” ngày càng đòi hỏi tính thực tiễn. Muốn vậy, việc tôn vinh “Người tốt, việc tốt” phải xuất phát từ tính khách quan, chân thực. Những nhân tố tích cực này xuất hiện ở mọi ngành, mọi giới, mọi lứa tuổi nên đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chú trọng tìm tòi, phát hiện; gắn việc biểu dương với việc tuyên truyền những cách làm hay để cộng đồng ghi nhận và nhân lên những điều tốt đẹp. Đặc biệt, trong “thế giới phẳng” hiện nay, cơ hội để nhân rộng những tấm gương, những việc làm tiêu biểu sẽ dễ dàng hơn, sức lan tỏa cũng nhanh và lớn hơn. Do đó, nếu chỉ chú trọng đến phát hiện, mà không phổ biến thì cái hay, cái đẹp cũng khó được phát huy…
Để duy trì “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp” như lời Bác dạy, việc tôn vinh, cổ vũ “Người tốt, việc tốt” phải trở thành việc làm thường xuyên. Càng ý nghĩa hơn khi phong trào có tác dụng trực tiếp đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của các cấp, các ngành. Vì vậy, phong trào phải được lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cần gắn phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để hoạt động này thiết thực hơn trong đời sống xã hội.
Và như sự nhấn mạnh của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” và vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017, quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều những hành động đẹp, những việc làm tốt đang lặng thầm cống hiến... Điều đó thật trân quý biết bao. Đó là mạch nguồn, là cội rễ để "rừng hoa" ngát hương mỗi ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.