(HNM) - Bệnh bạch hầu có dễ lây nhiễm không và có phải chỉ trẻ em mới mắc bệnh? Nếu bị bệnh thì triệu chứng như thế nào? (chị Minh Hoa, Hà Đông).
Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Trực khuẩn bạch hầu tiết ra độc tố, gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Có 2 thể bệnh bạch hầu hay gặp là bạch hầu họng và bạch hầu thanh quản. Ở vùng nhiệt đới có thể gặp bạch hầu mũi, mắt, da. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nhưng bệnh thường xảy ra ở những trẻ không được tiêm chủng. Bệnh lây qua đường hô hấp và qua tiếp xúc trực tiếp. Với thể họng, triệu chứng sớm nhất là viêm họng, chán ăn và sốt nhẹ. Trong vòng 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc trắng có màu ngà ở trong họng và lưỡi. Giả mạc bạch hầu có đặc điểm là dai, dính và dễ gây chảy máu. Biến chứng nguy hiểm nhất của bạch hầu là tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong chỉ trong 6 đến 10 ngày.
Bệnh được chẩn đoán chính xác bằng nuôi cấy dịch họng. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thì cần tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và dùng kháng sinh như erythromycin hoặc penicillin. Bệnh sẽ không còn khả năng lây lan sau 2 ngày điều trị kháng sinh thích hợp. Cách hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu là duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trong cộng đồng. Gần đây, một số nước đã sử dụng vắcxin phối hợp cho trẻ nhỏ gồm vắcxin bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và đôi khi cả vắcxin Hib. Sau khoảng 10 năm, cần tiêm nhắc lại vắcxin loại dùng cho người lớn là giải độc tố uốn ván - bạch hầu (Td) để duy trì khả năng miễn dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.