Việc đưa phim nhà nước đến với đông đảo khán giả, người yêu phim đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của các chuyên gia điện ảnh, nhà văn hóa, nhà sản xuất phim... Từ những góc nhìn cụ thể, các chuyên gia đều cho rằng, “Đào, phở và piano” là hiện tượng hiếm có của phim nhà nước, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu có thể tận dụng được điểm nhấn này để lan tỏa rộng rãi ảnh hưởng của dòng phim do Nhà nước đầu tư.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Chưa có cơ chế bảo đảm lợi ích cho các bên liên quan khi phát hành phim nhà nước
Việc bộ phim “Đào, phở và piano” cũng như “Hồng Hà nữ sĩ” ra rạp và được đông đảo khán giả đón nhận đã chứng minh rằng hoạt động phát hành đối với những bộ phim do Nhà nước đặt hàng có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Thực tế cho thấy, phim do Nhà nước đặt hàng đã nhận được sự quan tâm của khán giả, có thị trường và giúp làm đa dạng hơn thị trường điện ảnh, tạo điều kiện cho khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn.
Vấn đề vướng mắc lâu nay là chúng ta chưa có được một cơ chế bảo đảm cho các bên liên quan đều có lợi ích khi phát hành các bộ phim này, dẫn đến những khó khăn khi đưa phim ra rạp. Những ngày đầu thường chỉ có Trung tâm chiếu phim quốc gia đưa phim nhà nước đặt hàng ra rạp với số suất chiếu hạn chế, điều này khiến nhiều khán giả không thể tiếp cận với các bộ phim có giá trị. Cần có chính sách khuyến khích để có thêm các công ty phát hành, rạp chiếu phim, kể cả tư nhân và nước ngoài, tham gia tích cực hơn vào việc phát hành phim nhà nước. Chỉ có như vậy thì các bộ phim này mới không bị lãng phí, giúp quảng bá tốt hơn giá trị nhân văn, lịch sử, cách mạng đến với đông đảo công chúng, đúng với mục tiêu đầu tư làm phim của Nhà nước.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương:
Duy trì tốt cơ chế hợp tác công - tư
Bộ phim “Đào, phở và piano” trở thành hiện tượng gây chú ý trong thời gian qua thực sự là tín hiệu mừng, song sẽ tốt hơn nếu có thể tận dụng được điểm nhấn này để lan tỏa, tạo xu hướng thưởng thức cho người xem, về lâu dài là tạo được sự thay đổi trong xu hướng làm phim của nhà sản xuất, như trước đây bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã làm được.
Muốn có công nghiệp văn hóa, đặc biệt là công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững thì buộc phải duy trì tốt cơ chế hợp tác công - tư, đặc biệt là với các tác phẩm cần có sự đầu tư lớn. Theo tôi, rất cần có những tác phẩm điện ảnh lớn để lại cho các thế hệ sau. Thực tế là đến tận bây giờ mọi người vẫn luôn nhắc tới những tác phẩm điện ảnh để đời như “Cánh đồng hoang”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”; “Nổi gió”; “Bao giờ cho đến tháng Mười”... Phải có những tác phẩm khắc tên điện ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Ngay cả với những phim có vốn 100% của Nhà nước thì cũng rất cần có phương án phát hành, quảng bá hiệu quả. Thực tế, có nhiều hãng phim tư nhân chỉ chuyên sản xuất phim, và họ phải hợp tác với các đơn vị phát hành chuyên nghiệp khác. Nghề quảng bá, tiếp thị, phát hành rất khác với sản xuất phim, bởi vậy, với những phim do Nhà nước đặt hàng cũng cần dành một phần kinh phí cho việc hợp tác này, hoặc huy động các nguồn vốn khác dành cho việc quảng bá, tiếp thị.
Ông Nguyễn Minh Phương, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phim truyện I, Giám đốc sản xuất phim “Đào, phở và piano”:
Nếu được đầu tư thích đáng, các tác phẩm đặt hàng sẽ có chỗ đứng vững chắc trong thị trường phim Việt
Tin vui về bộ phim “Đào, phở và piano” bất ngờ đến trong những ngày đầu xuân, đó là sự động viên vô cùng to lớn đối với toàn bộ ê kíp trong bối cảnh phim nhà nước đang long đong trên con đường đến với khán giả.
“Đào, phở và piano” là bộ phim có yếu tố lịch sử, chúng tôi đã đầu tư toàn bộ nguồn lực, nhân lực, trí lực và tâm huyết với mong muốn lớn nhất là tôn vinh tinh thần yêu nước của người Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng, viết lên được một phần trong trang sử hào hùng về cuộc kháng chiến giải phóng đất nước.
Trước khi bắt tay vào sản xuất bộ phim này, Công ty Cổ phần Phim truyện I đã đầu tư nghiên cứu tư liệu, chất liệu, tái tạo bối cảnh của Hà Nội những năm 1940 để cố gắng làm nên một tác phẩm điện ảnh rõ tính lịch sử. Chúng tôi vô cùng cảm kích trước sự lựa chọn, ủng hộ của khán giả. Bởi khi bộ phim được đông đảo khán giả đón nhận, chúng tôi hiểu được rằng thông điệp của bộ phim đã chạm được đến trái tim của người xem. Đạo diễn Phi Tiến Sơn, họa sĩ Vũ Việt Hưng, tập thể nghệ sĩ, diễn viên tham gia làm phim như Trần Lực, Trung Hiếu, Doãn Quốc Đam, Cao Thị Thùy Linh, Tuấn Hưng... đã tìm được sự đồng cảm ở khán giả.
Với mong muốn số lượng phim đặt hàng hằng năm sẽ được tăng lên, đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa và có chính sách chung thuận lợi, thông thoáng để hỗ trợ cho ngành Điện ảnh, bao gồm cả điện ảnh xã hội hóa và điện ảnh đặt hàng của Nhà nước. Đặc biệt, cần chú ý đến những yếu tố đặc thù của ngành Điện ảnh; mở rộng đề tài phim đặt hàng - không chỉ là phim về lịch sử, chiến tranh... mà còn các đề tài phim tâm lý xã hội nhằm phục vụ được nhu cầu đa dạng của khán giả cả nước. Có được sự quan tâm đúng mức, chính sách phù hợp thì điện ảnh Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển và trở thành ngành công nghiệp văn hóa, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Đặc biệt, chúng tôi rất mong Nhà nước chú trọng đầu tư kinh phí thích đáng cho việc phát hành, quảng bá cho các bộ phim được đặt hàng để khán giả cả nước biết khi các bộ phim được phát hành rộng rãi.
Cá nhân tôi cho rằng, dù là phim Nhà nước hay tư nhân thì đều hòa chung vào thị trường phim điện ảnh. Nếu được Nhà nước đầu tư một cách thích đáng, đặc biệt là cho từng dự án phim, để các đơn vị sản xuất có đủ điều kiện thực hiện một cách tốt nhất ý tưởng sáng tạo thì tôi tin rằng các tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng sẽ có chỗ đứng vững chắc trong thị trường phim Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.