(HNM) - Có một nghịch lý đang tồn tại là nhiều lao động sau khi hết hợp đồng làm việc tại nước ngoài về nước không tìm được việc làm phù hợp.
Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động từ Hàn Quốc về nước tại Hội chợ Việc làm do Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tổ chức. |
Kết nối cung - cầu
Tại hội chợ việc làm dành cho lao động xuất khẩu từ Hàn Quốc về nước, do Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tổ chức tuần qua, hàng trăm lao động đã đến để tìm kiếm việc làm, hơn 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc tham gia tuyển dụng trực tiếp. Có mặt tại đây, anh Nguyễn Danh Hòa (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, anh làm thợ cơ khí tại Hàn Quốc từ năm 2005 đến năm 2013, tích lũy được vốn kinh nghiệm nghề nghiệp kha khá. Thế nhưng, khi về nước anh chưa tìm được công việc phù hợp. Nguyên nhân là môi trường làm việc ở hai quốc gia có sự khác biệt, các mối quan hệ xã hội bị gián đoạn, số tiền tích lũy được không đủ để mở xưởng sản xuất hay kinh doanh…
Mong muốn tìm được việc làm gần nhà để ổn định cuộc sống gia đình, anh Trần Hoàng Hải (xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) dự tuyển vào Công ty TNHH Elite Group Hà Nội và Công ty TNHH Toptec Vina. “Tôi làm việc tại Hàn Quốc từ năm 2005 đến đầu năm 2017 nên đã quen với môi trường làm việc bên đó. Nếu được tuyển dụng, tôi tin mình sẽ phát huy tốt khả năng thiết kế nội thất cho nhà chung cư mà mình từng làm”, anh Hải nói.
Tìm được việc làm phù hợp là mong muốn của đa số lao động xuất khẩu về nước. Để tận dụng nguồn nhân lực này, những năm qua, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều phiên giao dịch, hội chợ việc làm. Riêng về hội chợ việc làm dành cho lao động trở về từ Hàn Quốc, TP Hà Nội đã tổ chức được 9 phiên, thu hút gần 300 lượt doanh nghiệp và hàng nghìn lao động tham gia. “Thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp, hàng trăm lao động đã tìm được việc làm ổn định, các doanh nghiệp tìm được người có tay nghề cao”, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết.
Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho lao động xuất khẩu về nước. Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm, trong đó có 34 phiên dành cho lao động trở về từ Hàn Quốc, đồng thời đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm online cho đối tượng này trên website của trung tâm, tạo điều kiện cho hơn 1.000 lượt người lao động tìm việc...
Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
Khảo sát của ngành LĐ-TB&XH cho thấy, tâm lý lo ngại khó tìm được việc làm khi về nước là một trong những nguyên nhân khiến người lao động tìm cách cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài sau khi hết hợp đồng làm việc. Hiện có 58 quận, huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, buộc phía bạn đơn phương tạm dừng tuyển dụng lao động ở những nơi này. Thực tế đó cho thấy, khâu kết nối giữa người lao động đi làm việc tại nước ngoài về nước với các doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Theo bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, các hội chợ và phiên giao dịch việc làm đã góp phần kết nối người lao động từ nước ngoài trở về nước với các doanh nghiệp, nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao từng bước được tận dụng. |
Tuy việc tổ chức hội chợ việc làm được thực hiện thường xuyên, nhưng nhiều lao động và doanh nghiệp vẫn chưa "gặp được nhau”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này. Ông Park Sung Rok (Phòng Quản lý hành chính, Tổng vụ và Nhân sự Công ty TNHH Glonics Việt Nam, có trụ sở tại Thái Nguyên) cho biết: “Glonics Việt Nam không hạn chế số lượng tuyển dụng. Chúng tôi nhận thấy khả năng giao tiếp tiếng Hàn của người Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc về nước chưa tốt, trong khi đó là yêu cầu tối thiểu của công ty. Vì thế, chúng tôi chưa tuyển dụng đủ lao động đáp ứng được yêu cầu công việc”. Tương tự, Công ty TNHH Shin Sung Vina, có trụ sở tại Khu công nghiệp Song Khê, TP Bắc Giang chưa tuyển dụng được phiên dịch cho nhiều vị trí công việc dù đã phỏng vấn hàng chục người…
Chị Nguyễn Thanh Huyền, trợ lý Tổng Giám đốc nhân sự Công ty Samsung Bắc Ninh cho rằng, để tìm kiếm công việc tốt, người lao động cần có ý thức tự học. “Thời gian ở Hàn Quốc, dù chỉ làm việc cắt tỉa, đóng gói nấm tại một xưởng sản xuất nhỏ, nhưng tôi vẫn tranh thủ học tiếng Hàn mọi lúc mọi nơi. Khi về nước, tôi tiếp tục tham gia các khóa học nâng cao, nhờ đó đã vượt qua các điều kiện tuyển dụng khắt khe để có được công việc ổn định với mức thu nhập trung bình 20 triệu đồng/tháng”, Nguyễn Thanh Huyền chia sẻ.
Năm 2016, Việt Nam đưa 126 nghìn người đi làm việc tại nước ngoài, vượt 26% so với kế hoạch. Số lao động đi làm việc tại nước ngoài về nước cũng tăng lên tương ứng, trong đó chỉ có một phần nhỏ tìm được việc làm phù hợp. Đây là nguồn lao động có tay nghề, được rèn luyện trong môi trường làm việc ở nước bạn, nếu không sử dụng sẽ rất lãng phí.
Để giải quyết “bài toán” này, phải đẩy mạnh hơn nữa phần việc mà Bộ LĐ-TB&XH và cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc thực hiện từ năm 2012 đến nay, đó là mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho lao động trở về. Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các tỉnh, thành phố cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động về nước; mở rộng việc thông báo công khai và cập nhật liên tục thông tin về thị trường lao động trong nước, nước ngoài trên các trang web để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.