(HNMO) – Chiều 29-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Nhìn chung, các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhằm hoàn thiện pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Tương tự, trong tình hình hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là rất cần thiết, bởi tổng kết thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy, nhiều quy định của luật không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Nguyễn Doãn Anh (Đoàn Hà Nội) nêu rõ: Trong bối cảnh tình hình an ninh Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường và những biểu hiện bất thường của biến đổi khí hậu, để chiến sĩ cảnh sát biển yên tâm làm nhiệm vụ, cần những chính sách đặc thù phù hợp với môi trường và tính chất hoạt động của lực lượng sao cho bù đắp được những phần thiệt thòi, hy sinh của họ so với các lĩnh vực khác, vì họ phải thường xuyên sống xa nhà, đối mặt với hiểm nguy, rủi ro…
Về trang bị phương tiện, theo đại biểu, trong những năm qua, dù ngân sách còn hạn hẹp nhưng Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt, đầu tư đáng kể nâng cao số lượng, chất lượng trang bị cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì trang bị phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam còn khiêm tốn. Vì vậy, trong luật cần quy định cơ chế đầu tư mạnh mẽ hơn, để thực hiện mục tiêu hiện đại, trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong giai đoạn trước mắt cũng như những năm tiếp theo trên cơ sở Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm bảo đảm cho tàu thuyền và các trang bị kèm theo của Cảnh sát biển không chỉ đủ sức quản lý an ninh mà còn bảo đảm an toàn; duy trì chấp hành pháp luật, đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển cũng như làm chỗ dựa cho ngư dân, bảo đảm cứu hộ, cứu nạn trên biển…
Chung quan điểm này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) nêu quan điểm: Cần xác định rõ vị trí của Cảnh sát biển là lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trong các đầu tư cho lực lượng Cảnh sát biển ngoài đầu tư về vũ khí, trang bị kỹ thuật cần quan tâm đầu tư về con người. Vì đây là lực lượng yêu cầu rất cao về nhiều mặt: Thể lực, nhạy bén chính trị, tư duy tầm nhìn, đối ngoại… nên cần quan tâm đầu tư nguồn nhân lực.
Thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị việc sửa đổi điều kiện đặc xá phải đặt trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 mới bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện và chỉ quy định đặc xá đối với một số trường hợp đặc biệt quy định rõ ngay trong dự thảo luật.
Đại biểu Đào Thanh Hải (Đoàn Hà Nội) cho rằng, để khắc phục việc đặc xá nhiều như trong thời gian qua và để bảo đảm tính phù hợp của luật, tạo sự chủ động cho các cơ quan trong triển khai thực hiện Luật Đặc xá thì cần quy định rõ trong luật chỉ xét đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2-9, hoặc không dưới 3 năm một đợt hay 5 năm một đợt. Theo đại biểu, nếu quy định hằng năm xét đặc xá sẽ trùng với việc tha tù trước thời hạn và như vậy việc đặc xá sẽ không còn ý nghĩa.
Về điều kiện được đặc xá, đại biểu Đào Thanh Hải khẳng định, mỗi khi Chủ tịch nước quyết định đặc xá đều đem lại tác động xã hội rất lớn, là động lực để cho người phạm tội phấn đấu rèn luyện, cải tạo sớm trở về làm công dân có ích cho xã hội. Do đó, mỗi lần đặc xá có số lượng lớn bao nhiêu không quan trọng, không cần quy định số lượng cụ thể, miễn là thực hiện đúng thủ tục, đúng trình tự, đúng đối tượng, bảo đảm minh bạch thì sẽ tác động lớn và tích cực đối với việc thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.