Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề nghị sửa đổi Luật Công đoàn đáp ứng đòi hỏi trong thời kỳ mới

Hà Phong| 14/02/2023 16:55

(HNMO) - Chiều 14-2, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin, nhằm hạn chế một số bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng đòi hỏi hoạt động của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới, cơ quan này đề nghị sửa đổi 3 chính sách trong xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Cụ thể, về việc hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn; cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ đối tượng cán bộ công đoàn chuyên trách. Theo đó, bổ sung sửa đổi làm rõ việc tuyển dụng, định danh và chính sách tiền lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Sửa đổi Điều 14 theo hướng tách bạch quyền giám sát của Công đoàn Việt Nam thành một quyền riêng mang tính độc lập, chủ động của Công đoàn theo hướng: “Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra; thực hiện quyền giám sát”…

Sửa đổi Luật Công đoàn sẽ đáp ứng đòi hỏi hoạt động của tổ chức công đoàn, nhất là chăm lo bảo vệ người lao động trong thời kỳ mới tốt hơn.

Với việc hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam, cần  sửa đổi, bổ sung quy định về phân phối kinh phí công đoàn, đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn. Bổ sung quy định về miễn, giảm kinh phí công đoàn.

Liên quan đến hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động 2019, sửa đổi điều 1 (Công đoàn); bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung Điều 9 (những hành vi bị nghiêm cấm) theo hướng quy định chi tiết hơn các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điều 10 Luật Công đoàn; sửa đổi, bổ sung điều 17 về quyền và trách nhiệm của Công đoàn cấp trên đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; sửa đổi Điều 24 về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung các điều 4, 30 để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các điều trong luật cũng như với hệ thống pháp luật, nhất là với Bộ luật Lao động 2019.

Được biết, đây là lần sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 02-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Đề án định hướng chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, 2024.

Theo kế hoạch đề ra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trước ngày 1-3-2023, cơ quan này sẽ gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; đồng thời, gửi các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị sửa đổi Luật Công đoàn đáp ứng đòi hỏi trong thời kỳ mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.