(HNMO) - Ngày 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 7 dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.
Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã thảo luận về một số vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Liên quan đến kiến nghị bổ sung hình thức xử phạt “buộc lao động phục vụ cộng đồng”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng, đây thực chất là hình thức bắt buộc lao động, mà trong điều kiện hiện nay áp dụng khó khả thi, không phù hợp với Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên. Nếu áp dụng, việc tổ chức thực hiện, quản lý đối tượng rất khó khăn và dễ dẫn đến vi phạm quyền cơ bản của công dân. Vì vậy, đề nghị không bổ sung hình thức này vào dự thảo Luật.
Về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, Thường trực UB Pháp luật của QH đưa ra hai phương án. Phương án cơ quan này ủng hộ là: mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân; đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác. Phương án 2, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng trừ trường hợp quy định tại luật khác.
Đồng tình với chủ trương phạt mạnh các pháp nhân vi phạm hành chính, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý, mức phạt càng cao bao nhiêu thì chuyện thương lượng, hối lộ cán bộ càng dễ xảy ra bấy nhiêu. Cho nên, Luật phải thiết kế điều khoản chi tiết, khóa được hiện tượng tiêu cực này. Bên cạnh đó, không bổ sung tình tiết giảm nhẹ đối với người vi phạm hành chính là người dân tộc thiểu số. Vì về nguyên tắc thì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Do đó, việc áp dụng pháp luật đối với đồng bào ở miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng được quy định bình đẳng như đối với công dân khác.
Về hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các TP trực thuộc TƯ sẽ áp mức phạt tiền cao hơn, nhưng tối đa không quá hai lần so với các địa phương khác, có 2 luồng ý kiến khác nhau. Trong đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tăng mức phạt tiền tại nội thành của các TP trực thuộc TU, vì quy định này sẽ dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, không bình đẳng giữa các địa phương. Nếu nạn xả thải, tai nạn giao thông ở những địa chỉ trên quá trầm trọng, cần thiết phải thực hiện, thì nên giao Chính phủ thẩm quyền quy định mức xử phạt tiền tối đa, khi có biến động về giá cả sẽ bảo đảm áp dụng linh hoạt. Trước đây, nước ta đã có thời kỳ giao cho HDND cấp tỉnh, TP trực thuộc TƯ quy định mức phạt tiền theo Pháp lệnh năm 1989 dẫn đến nhiều bất cập và đã phải bãi bỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.