(HNM) - Trong những ngày gần đây, xuất hiện ý kiến nhiều chiều về vấn đề cổ phần hóa (CPH) các hãng phim nhà nước, đặc biệt là khi Hãng phim truyện Việt Nam công bố nhà đầu tư chiến lược là... Công ty Vận tải thủy, một đơn vị vốn không có gì liên quan trực tiếp tới hoạt động điện ảnh.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng: Không nên CPH hãng phim này, vì nhiều lý do, trong đó có mối lo về nguy cơ "biến mất" của một hãng phim giàu truyền thống khi tương lai của hãng được đặt vào tay của một đơn vị, về lý thuyết, dường như hợp với việc khai thác mảnh đất "vàng" số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) hơn là phát triển điện ảnh. Luồng ý kiến thứ hai tán đồng việc CPH, khẳng định đó là con đường tất yếu để hãng tiếp tục tồn tại và phát triển.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng chủ trương CPH Hãng phim truyện Việt Nam là hợp lý, trong bối cảnh hoạt động của hãng này đã "chậm lại", phim làm ra khó tìm khán giả, tình trạng nợ nần và khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên đã ở mức báo động, nhiều đạo diễn giỏi đã chọn cách rời hãng... Tuy nhiên, nói đến việc CPH Hãng phim truyện Việt Nam thì bản chất vấn đề - sự tồn vong của hãng phim - không phụ thuộc tuyệt đối vào việc nhà đầu tư chiến lược trong tiến trình CPH là ai, mà phụ thuộc vào cách thức vận hành của hãng sau khi kết thúc CPH.
Khi đó, vấn đề quan trọng nhất là việc duy trì và phát triển hoạt động điện ảnh, nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ có thực hiện được không? Liệu rằng những yêu cầu mang tính ràng buộc mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đưa ra với Công ty Vận tải thủy (về yêu cầu đầu tư cơ sở vật chất, sử dụng đất cho việc làm phim; tỷ lệ doanh thu bắt buộc phải có thông qua hoạt động làm phim; tạo điều kiện cho nghệ sĩ gắn bó với nghề...) có được thực hiện nghiêm túc hay không?...
Chủ trương CPH các hãng phim nhà nước xuất hiện cách nay hơn mười năm, từ 2003, với 5 hãng phim nằm trong diện này. Cho đến nay, có thể nói, quá trình thực hiện chủ trương nói trên diễn ra không suôn sẻ, chủ yếu là do không tìm được nhà đầu tư thích hợp. Tuy vậy, với doanh nghiệp điện ảnh có nét đặc thù so với các doanh nghiệp không liên quan đến lĩnh vực văn hóa, tư tưởng như Hãng phim truyện Việt Nam, ngay cả khi đã tìm ra nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính thì không có nghĩa quá trình CPH sẽ thành công.
Bởi vậy, trong tiến trình thực hiện thủ tục pháp lý cần có cho việc CPH, các bên có trách nhiệm không chỉ làm phần việc duy nhất là chọn nhà đầu tư, tin tưởng vào cam kết của họ, mà còn phải tính đến cơ sở pháp lý nhằm buộc họ nghiêm túc thực hiện cam kết trong thực tế. Sự thận trọng, quy trình chặt chẽ là điều cần thiết bởi khi có chuyện xảy ra, chẳng hạn như khi nhà đầu tư không sử dụng đất phục vụ cho việc sản xuất phim như đã cam kết, cơ quan quản lý có thể ra quyết định thu hồi đất, nhưng làm sao có thể duy trì hoạt động điện ảnh của hãng cũng như đội ngũ cán bộ, nhân viên trong bối cảnh "tan đàn xẻ nghé"?
Với Hãng phim truyện Việt Nam, quy trình CPH càng được thực hiện bài bản bao nhiêu thì câu hỏi "liệu nghệ sĩ có phải đi lái tàu?" càng đỡ ám ảnh bấy nhiêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.