(HNM) - Với nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, mùa lễ hội 2019 đang diễn ra với rất nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, bức tranh lễ hội đầu xuân vẫn còn những “mảng màu lạc tông” cần được loại bỏ.
Du khách trẩy hội chùa Hương.Ảnh: Việt Linh |
Những chuyển động tích cực
Tranh cướp, giẫm đạp đã nhường chỗ cho những hoạt động nền nếp, quy củ hơn tại lễ hội Gióng, đền Sóc (Sóc Sơn); không gian sạch đẹp, ứng xử văn minh xóa nhòa tình trạng bừa bộn rác thải, chèo kéo, làm phiền du khách ở lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức); những nghi lễ truyền thống được bảo tồn, phát huy tại đền Cổ Loa (Đông Anh), đền Hai Bà Trưng (Mê Linh)… Đây là những hình ảnh đẹp bước đầu trong mùa lễ hội đầu xuân 2019 của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Không khó để nhận thấy, với quyết tâm trong công tác quản lý và tổ chức, lễ hội xuân 2019 được khởi động với rất nhiều thuận lợi.
Tại lễ hội Gióng, đền Sóc sáng khai hội (10-2 tức mùng 6 tháng Giêng Kỷ Hợi), các nghi thức rước lộc, dâng hương, tế lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. Sau các nghi thức, lộc hoa tre được đưa vào hậu cung đền Thượng, chờ giờ phát lộc vào buổi chiều cùng ngày.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết, việc bỏ tục cướp lộc, thay đổi thời gian, hình thức phát lộc gắn với tuyên truyền, vận động, tăng cường an ninh… đã giải quyết được hiện tượng tranh cướp phản cảm trong lễ hội Gióng, trả lại không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh đúng nghĩa cho đền Sóc. Trong khi đó tại chùa Hương, lễ khai hội cũng đã diễn ra suôn sẻ, nhờ những đổi mới trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt khẳng định: "Tăng cường thanh tra, kiểm soát, kịp thời xử lý những hiện tượng vi phạm quy định (chèo kéo, đeo bám khách; sử dụng thuyền đò gắn máy; dịch vụ mê tín dị đoan…) là biện pháp đã và đang phát huy hiệu quả. Cùng với đó còn có sự hỗ trợ của lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia phân luồng giao thông, tuyên truyền, nhắc nhở người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh nơi thờ tự...".
Cảm nhận được những chuyển động tích cực trong mùa lễ hội 2019, du khách Nguyễn Văn Đạt (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên) cho hay: "Từ năm 2012 đến nay, năm nào tôi cũng đi lễ hội chùa Hương, nhưng có thể thấy mùa lễ hội này có nhiều khởi sắc trong công tác quản lý và tổ chức. Hàng quán tổ chức quy củ, không gian lễ hội sạch, đẹp. Chúng tôi chủ động mừng tuổi cho chủ đò, chứ họ không vòi vĩnh, đòi hỏi". Còn ông Nguyễn Anh Dũng (ở tập thể Dầu khí, ngõ 86, Chùa Hà, Cầu Giấy) bày tỏ: "Lễ hội Gióng, đền Sóc năm nay rất vui. Sau các nghi thức trang trọng, nhân dân hoan hỉ hòa vào các hoạt động trải nghiệm không gian lễ hội, chờ đến giờ xin lộc cầu may. Tuyệt nhiên không còn cảnh tranh giành hỗn loạn nơi cửa thánh như vài năm về trước...".
“Gạn đục, khơi trong” văn hóa ứng xử mùa lễ hội
Tuy nhiên, những ngày đầu mùa lễ hội xuân 2019 vừa qua không phải không còn những “hạt sạn” làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm, không gian văn hóa tâm linh thuần khiết ở nhiều di sản. Tại không ít điểm di tích, những tồn tại, hạn chế từ mùa lễ hội trước vẫn tiếp tục xuất hiện, như: Hàng quán, dịch vụ tâm linh vây kín lễ hội; du khách ăn mặc phản cảm; thắp hương, cúng đốt vàng mã tràn lan; rải tiền lẻ vô tội vạ; cúng cầu dâng sao giải hạn; dịch vụ trông gửi xe chặt chém du khách...
Lễ hội truyền thống Cổ Loa Xuân Kỷ Hợi 2019 diễn ra trong không khí văn minh, vui tươi. Ảnh: Quang Dũng |
Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại phủ Tây Hồ; đình, chùa Bia Bà; chùa Ái Mộ… (ngày 10-2) tiền lẻ vẫn được rải, cài ở các mâm lễ, ban thờ, vách điện thờ. Ngay lối vào chùa Trấn Quốc (ngày 11-2) là một dãy lồng chim, chậu cá, ốc, rùa… mời chào du khách trả tiền phóng sinh, ăn xin, hàng rong làm phiền du khách. Còn ở chùa Hà (ngày 14-2), lò đốt vàng mã hoạt động không ngừng nghỉ, do lượng người đến cầu tình duyên quá đông.
Đặc biệt, tại chùa Phúc Khánh (tối 12-2), hàng nghìn người tìm về làm lễ dâng sao giải hạn gây ách tắc giao thông. Dịch vụ trông xe tại đền Sóc, phủ Tây Hồ (12-2) thu vượt mức quy định từ 20.000 đến 30.000 đồng/phương tiện. Tại lễ hội chùa Hương (ngày 14-2) xuất hiện hiện tượng đánh bạc trên đò lưu thông qua suối Yến, bày bán thịt sống trong không gian lễ hội…
Theo bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, ngay từ đầu mùa lễ hội, TP Hà Nội đã có văn bản về việc tăng cường vận động, chấn chỉnh hiện tượng đốt vàng mã tràn lan và đề nghị các ban quản lý, trụ trì các cơ sở thờ tự tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Nhờ vậy, hiện tượng trên đã giảm, song chưa rõ rệt. Tình trạng rải cắm tiền lẻ, trông xe chặt chém, mất an toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn tồn tại ở không ít lễ hội.
Trước tình trạng này, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội và chính quyền các địa phương sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân khi phát hiện hành vi không phù hợp..., từng bước gạn đục, khơi trong văn hóa ứng xử trong lễ hội.
Còn Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, mùa lễ hội 2019 là năm đầu tiên Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, trong đó quy định rất rõ về trách nhiệm của UBND các cấp cũng như trao quyền tạm dừng lễ hội có biểu hiện sai lệch, biến tướng, lơi lỏng quản lý cho cơ quan chủ quản. Các địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh; tăng cường phối hợp liên ngành và phân công trách nhiệm rõ ràng trong quản lý, tổ chức lễ hội. Đối với những hình ảnh xấu xí, hiện tượng phản cảm trong lễ hội, cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.
Mùa lễ hội năm nay còn tiếp tục diễn ra. Vì thế, đỏi hỏi các nhà quản lý cũng như cả cộng đồng cần tiếp tục chung tay đẩy lùi hủ tục, giữ gìn không gian văn hóa tâm linh, môi trường sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh, phát huy bản sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.