Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng

Võ Lâm| 14/04/2017 06:36

(HNM) - Phân tích rõ những hạn chế, rào cản, hội thảo đã đề xuất những giải pháp nhằm “cởi trói” cho kinh tế tư nhân phát triển, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Kiểm tra nuôi dưỡng cây giống tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Toàn Cầu (huyện Đan Phượng). Ảnh: Thái Hiền


Thiếu liên kết, chưa có trụ cột

Đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Những năm qua, kinh tế tư nhân nước ta đã phát triển nhanh, có đóng góp lớn, giữ vị trí ngày càng quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân chưa thật sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế; chủ yếu vẫn là kinh tế hộ cá thể. Lấy mốc thời điểm là năm 2015, kinh tế tư nhân đóng góp 39,21% GDP cả nước, nhưng các hộ cá thể chiếm tới 31,33%, doanh nghiệp (DN) tư nhân chỉ đóng góp 7,88%.

Chưa kể, hơn 97% DN tư nhân hiện nay có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới... Cơ cấu ngành nghề của DN tư nhân chưa hợp lý, hơn 80% hoạt động thương mại, dịch vụ; chỉ hơn 10% hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và khoảng 1% DN tham gia đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm, tỷ lệ DN phá sản, ngừng hoạt động giai đoạn 2007-2015 chiếm 45-50% số DN mới thành lập…

11 chuyên gia, doanh nhân, đại diện cộng đồng DN Việt Nam ở nước ngoài đã phát biểu tham luận trực tiếp tại hội thảo, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có 8 nhóm rào cản đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân, trong đó hệ thống thể chế và pháp luật chưa hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Trong khi đó, cơ quan nhà nước vẫn còn áp dụng biện pháp hành chính để xử lý tình huống phát sinh mà chưa chú trọng tới các giải pháp thị trường. Phân tích từ góc độ khác, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, kinh tế tư nhân chưa thể trở thành động lực quan trọng vì quy mô nhỏ lẻ, chưa có các DN lớn làm trụ cột, nhưng lại thiếu sự liên kết.

Kiến tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

Một cơ sở sản xuất gốm sứ tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Thái Hiền


TS Trần Đình Thiên cho rằng, để khắc phục tình trạng nêu trên, cần tiếp tục xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, triệt tiêu cơ chế “xin - cho”, ưu tiên, ưu đãi… PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn thì đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm xóa bỏ các rào cản và thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Trong đó, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết để tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.

Ủng hộ quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Hữu Thắng khẳng định, DN nói chung, DN tư nhân nói riêng đều rất cần môi trường cạnh tranh lành mạnh và sự ổn định về chính sách. Khi tạo lập môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh và có cơ chế phù hợp, sẽ khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang hoạt động dưới dạng DN. Khoảng 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay chính là tiềm năng rất lớn của kinh tế tư nhân.

Năm 2002, cả nước có 2,6 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp và 55.236 doanh nghiệp tư nhân; đến năm 2016, cả nước có 4,6 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp và 495.826 doanh nghiệp tư nhân.

Riêng năm 2016, có hơn 110.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Kinh tế tư nhân sử dụng 85% lao động trong nền kinh tế, có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2003 - 2015 là 10,2%/năm, đóng góp khoảng 39 - 40% GDP cho đất nước.

Theo Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Thị Thu Hằng, để kinh tế tư nhân phát triển cần xây dựng Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa với mục tiêu không chỉ chú trọng tăng nhanh về số lượng, quy mô mà tập trung cả về cơ cấu hợp lý, có năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng bền vững. Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài Võ Thành Đăng, một Việt kiều sinh sống, làm việc tại Singapore cho biết, DN, doanh nhân Singapore rất yên tâm khi hoạt động vì được hướng dẫn, hỗ trợ rất kỹ lưỡng, cẩn thận, nhất là về pháp lý. Tại đây, chỉ cần khoảng 15 phút là có thể hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh. Đó là kinh nghiệm để Việt Nam học hỏi trong phát triển kinh tế tư nhân.

Kết luận hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đồng tình với các ý kiến tham luận, nhất là yêu cầu đổi mới và cải cách đồng bộ của cả hệ thống quản trị kinh tế quốc gia nhìn từ các góc độ lập pháp, hành pháp đến tư pháp để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Đồng chí nhấn mạnh, hệ thống cơ chế chính sách "phải thở hơi thở của thị trường", thực sự là "bà đỡ", tạo ra sự liên kết, phát triển mạnh mẽ cho DN nói chung và DN tư nhân nói riêng. GS.TS Phùng Hữu Phú khẳng định Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ tiếp thu, chắt lọc các ý kiến tại hội thảo để bổ sung vào báo cáo trình Bộ Chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.