(HNM) - Nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đặc thù đang đứng trước những thử thách lớn. Trong đó có vấn đề nền tảng là đào tạo nhân lực cho các bộ môn này gặp không ít khó khăn ngay từ khâu tuyển sinh…
Thực tế không thể phủ nhận là hiện nay, nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền đang có nguy cơ bị phai mờ bản sắc vì thưa vắng người nghe, người xem và ngày càng khó tìm người học. Thực trạng không vui này xuất phát từ việc giới trẻ ngày càng tỏ ra ít quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, không hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của những vở chèo cổ, vở cải lương cổ; chưa cảm nhận được sự mượt mà, sâu lắng của làn điệu ca trù… Những bộ môn nghệ thuật đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, năng khiếu, hình thể đẹp như xiếc, múa… cũng chịu cảnh “ế ẩm” tương tự. Chính vì vậy, đa số các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật ở trung ương, địa phương đều khó tuyển đủ học sinh, sinh viên cho mỗi khóa học.
Trong hoàn cảnh đó, nếu tuyển sinh “vớt vát” liệu có bảo đảm chất lượng trong việc đào tạo để có thể thành danh những nghệ sĩ lao động ở lĩnh vực nghệ thuật đòi hỏi tài năng và năng khiếu?
Có nhiều lý do, nhưng tựu trung là không ít bạn trẻ bối rối vì theo đuổi những bộ môn nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đặc thù… Mặt khác, có nghịch lý đáng để nhiều người phải suy nghĩ là ngay tại các đơn vị nghệ thuật đang có nhu cầu lớn về nhân lực, nhưng rất khó tìm được người có tài, có tình yêu và năng khiếu thực sự.
Vì thế mới có tình trạng, ở các đơn vị nghệ thuật hiện nay hầu hết đội ngũ biểu diễn lành nghề, thực tài đều là diễn viên, nhạc công lớn tuổi, trong khi gương mặt nghệ sĩ trẻ tài năng lại khan hiếm và trong cảnh "giật gấu, vá vai". Đây là một điều đáng báo động!
Thực tế cho thấy, đội ngũ thực tại có làm chuyên môn giỏi đến mấy mà không chú trọng đào tạo nhân lực trẻ thì chúng ta sẽ không có nguồn lực tốt để kế cận, tiếp nối và giữ nghề. Đây cũng là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm khi triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo nghệ sĩ cho một số ngành văn hóa, nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật truyền thống khó tuyển sinh, thiếu nhân lực.
Vì vậy, muốn đạt hiệu quả thực chất, việc tuyển sinh, quá trình đào tạo nghệ sĩ phải tiếp tục đổi mới cả về cơ chế, chính sách và phương pháp, có cách tiếp cận và “truyền lửa” bám sát thực tiễn đời sống, tìm ra người thực tài, có tình yêu với nghệ thuật, từng bước xóa đi khoảng cách giữa đào tạo trong nhà trường với lao động nghệ thuật ngoài thực tế.
Một hạt mầm dù tốt đến mấy, nếu gieo vào mảnh đất cằn cỗi thì cũng khó phát triển được. Vì thế, để thu hút được các bạn trẻ cần phải tạo một “mảnh đất màu mỡ” cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể hoạt động, cống hiến tài năng. Bản thân những bạn trẻ đang nuôi ước mơ làm nghệ sĩ, ngoài năng khiếu sẵn có thì sự khổ luyện, tình yêu dành cho nghệ thuật dân tộc là những yếu tố căn cốt để rèn mình thành tài và có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ xác định rõ vai trò trọng tâm khai thác gồm các môn nghệ thuật chất lượng cao, nghệ thuật đặc thù, là một thuận lợi không thể tốt hơn cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Rõ ràng, cơ hội đã mở ra, trước tiên cho các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ đến hệ thống trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật. Vấn đề hiện nay là sự phối hợp giữa các bên sao cho bảo đảm thực thi chính sách hiệu quả nhất trong thực tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.