Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để không còn chuyện đau lòng!

Nữ Quỳnh| 25/10/2013 05:35

(HNM) - Vụ việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường đã gây rúng động dư luận trong những ngày qua, gióng lên tiếng chuông khẩn thiết về vấn đề đạo đức của người hành nghề y cũng như đạo đức xã hội. Vụ việc cũng làm lộ ra lỗ hổng lớn trong công tác quản lý các cơ sở y tế hiện nay.

Thực ra, nói bây giờ mới lộ là bởi khi xảy ra vụ việc thì người ta mới bắt đầu đặt ra vấn đề này. Trong khi lỗ hổng quản lý này đã tồn tại từ rất lâu. Hồi tháng 4-2011, cũng ngay gần với Thẩm mỹ viện Cát Tường, đã từng xảy ra vụ việc một phụ nữ tử vong sau khi bơm ngực ở một cơ sở không có giấy phép hoạt động. Điều rất đáng nói sau vụ việc chấn động trên là trách nhiệm của cán bộ quản lý. Sáng 23-10-2013, trả lời trên truyền hình, một Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cơ sở Cát Tường chỉ ghi ngoài bảng hiệu là "thẩm mỹ viện" nên không thuộc "thẩm quyền quản lý" của ngành y tế. Ngoài ra, Sở Y tế cũng chỉ quản lý, kiểm soát, thanh tra các cơ sở đã đăng ký, còn các cơ sở không đăng ký thì… chịu, và không kiểm tra. Quan điểm này tiếp tục được Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định lại khi trả lời báo chí vào buổi chiều cùng ngày.

Chẳng phải suy luận nhiều cũng dễ thấy sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của cán bộ quản lý. Bởi sự thật là ngoài tấm biển hiệu thì cơ sở nói trên còn có bảng điện tử chạy các dòng chữ lớn quảng cáo dịch vụ "phẫu thuật thẩm mỹ". Mà ngay cả khi không có những dòng chữ ấy thì nhà quản lý cũng không thể dùng điệp khúc "không biết, không thấy, không quản lý" được. Một cơ sở thẩm mỹ mọc lên giữa bạt ngàn các cơ sở y tế, nơi mà hầu hết người dân đều hiểu chúng có chức năng gì, cớ sao cán bộ quản lý nói không biết? Cả quản lý "dọc" là ngành y tế, và quản lý "ngang" là chính quyền sở tại cớ sao để "lọt lưới"? Ngay cả Bộ trưởng Bộ Y tế khi phát biểu ở phiên thảo luận tổ tại Quốc hội chiều 24-10 cũng thừa nhận lời giải thích "không biết nhân viên dưới quyền có thẩm mỹ viện ngay đối diện bệnh viện là không hợp lý…".

Lâu nay, chuyện mất bò mới lo làm chuồng vẫn phổ biến. Thế nhưng, thà muộn còn hơn không. Theo thông tin từ Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 35 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được hành nghề thẩm mỹ như cắt mí, xăm mày... nhưng chưa có cơ sở nào được cấp phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ như nâng ngực, hút mỡ vì việc này chỉ thực hiện ở các bệnh viện. Thế nhưng, chẳng khó khăn khi muốn tìm một chỗ để phẫu thuật thẩm mỹ vì chúng vẫn được giăng biển công khai trên mặt phố, quảng cáo nhan nhản trong các tờ rơi, thậm chí quảng cáo công khai trên báo chí.

Như vậy, trong lúc tình trạng các cơ sở thẩm mỹ, y tế tư nhân hoạt động bát nháo, nhiều cơ sở mọc lên không phép, sai phép thì dư luận đòi hỏi phải có sự vào cuộc nhanh chóng, sự cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Nhiều cơ quan, ban, ngành phải có trách nhiệm cùng xử lý. Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Quốc hội chiều 24-10, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh: Những cơ chế, chính sách mà lâu nay chúng ta đưa ra với mong muốn tạo sự thông thoáng để cho người dân lựa chọn các dịch vụ y tế thì giờ cũng phải tính lại xem "thoáng đến mức nào là vừa", giới hạn được làm đến đâu và việc gì không được phép… chứ không phải một con dao, một dụng cụ, một người thầy thuốc là có thể làm được mọi thứ.

Trong hai năm, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 3 vụ chết người tại cơ sở thẩm mỹ. Tiếng chuông báo động lại gióng lên. Đã đến lúc phải hành động cương quyết để không những xử lý được vụ việc này mà còn có giá trị giáo dục, cảnh báo, răn đe để không xảy ra chuyện tương tự trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để không còn chuyện đau lòng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.