Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để hết cảnh “bắt cóc bỏ đĩa”...

Chu Dũng| 05/10/2022 06:20

(HNM) - Từ ngày 20-9 đến nay, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) ra quân thí điểm sử dụng mô tô chuyên dụng cùng thiết bị ghi hình tuần tra đường Vành đai 3 trên cao nhằm giải quyết tình trạng phương tiện đi vào làn khẩn cấp, chạy lấn làn, xe khách tùy tiện dừng đỗ, đón trả khách… Tuy nhiên, để cuộc ra quân tạo hiệu quả lâu dài, không còn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Chiến sĩ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) ghi hình phương tiện đi vào làn khẩn cấp đường Vành đai 3 trên cao.

Vi phạm xảy ra thường xuyên

Thiếu tá Phạm Văn Chiến (Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, việc đi vào làn khẩn cấp tại Vành đai 3 trên cao thời gian qua khá phổ biến, ngay cả khi không có ùn tắc xảy ra. Nếu có sự cố cháy, tai nạn xảy ra thì lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẽ không thể tiếp cận kịp thời bởi làn khẩn cấp đã bị các phương tiện khác chiếm dụng. Ngoài ra, tình trạng xe khách dừng đón trả khách trên đường, xe chạy lấn làn… cũng làm cho Vành đai 3 trên cao đã quá tải phương tiện càng dễ xảy ra ùn tắc.

Thực hiện kế hoạch phối hợp, từ 6h hằng ngày, cán bộ Phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn (Cục Cảnh sát giao thông) và các Đội Cảnh sát giao thông số 5, 6, 7, 14 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) nằm dọc tuyến đường Vành đai 3 trên cao, mỗi đơn vị đều bố trí 2 mô tô sẵn sàng làm nhiệm vụ tuần tra trên địa bàn mình quản lý. Riêng Đội Cảnh sát giao thông số 5 và 6 phụ trách hai điểm đầu cuối tuyến đường còn có nhiệm vụ đón lõng, tiếp nhận phản ánh bằng hình ảnh của tổ tuần tra để xử lý ngay khi phương tiện từ đường trên cao lưu thông xuống. 

Là người trực tiếp làm nhiệm vụ, Thượng úy Trần Đoàn (Đội Cảnh sát giao thông số 6) khẳng định, tất cả những hành vi cố tình lấn làn, chạy vào làn khẩn cấp… đều được ghi hình gửi thông tin cho tổ xử lý ứng trực tại các điểm lên xuống dọc tuyến đường nhắc nhở và xử phạt. Mức xử phạt đối với những hành vi như đi vào làn đường khẩn cấp 4-6 triệu đồng.

Anh Nguyễn Duy Dũng (phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm), người thường xuyên tham gia lưu thông trên đường Vành đai 3 trên cao, cho biết, những phương tiện hay vi phạm là xe khách liên tỉnh, xe taxi, xe tải… Thậm chí, các phương tiện này còn vừa chạy vừa bấm còi inh ỏi, gây ô nhiễm tiếng ồn.

Còn chị H.T.T (ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: "Sau khi bị phạt 5 triệu đồng vì lỗi đi vào làn khẩn cấp, tôi đã tuyên truyền lại cho bạn bè, người thân để không mắc lỗi như bản thân…".

Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) lập biên bản xử lý một trường hợp đi vào làn khẩn cấp đường Vành đai 3 trên cao.

Tăng cường tuần tra, áp dụng công nghệ hiện đại

Từ ngày 20-9 đến nay, thực hiện kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống ùn tắc trên Vành đai 3 trên cao, các tổ tuần tra đã tiến hành nhắc nhở, xử lý gần 100 phương tiện vi phạm luật giao thông trên tuyến. Đoạn đường tuần tra kéo dài hơn 20km, từ cầu Phù Đổng (huyện Gia Lâm) đi dọc Vành đai 3 trên cao đến ngã ba Hải Bối dưới chân cầu Thăng Long (huyện Đông Anh) đã được kiểm soát khi lực lượng chức năng tiến hành ghi hình các ô tô vi phạm để làm căn cứ xử “phạt nguội”. 

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, tuyến Vành đai 3 trên cao là tuyến đường “độc đạo” nếu xảy ra sự cố, các phương tiện chiếm hết làn đường khẩn cấp thì xe cứu nạn cứu hộ, cấp cứu, cứu hỏa không thể tiếp cận được hiện trường. Thời gian tới sẽ kiến nghị lực lượng chức năng hạn chế xe trọng tải lớn lưu thông trên tuyến theo giờ hoặc một số giải pháp khác để giảm ùn tắc.

“Hằng ngày, các đơn vị của Phòng Cảnh sát giao thông sử dụng 20 mô tô chuyên dụng cùng thiết bị ghi hình phối hợp cùng 10 cán bộ của 5 đội Cảnh sát giao thông trên dọc tuyến Vành đai 3 trên cao tuần tra làm nhiệm vụ khép kín địa bàn. Qua ghi nhận, ngoài các lỗi vi phạm bị xử lý, các phương tiện chủ yếu gặp các sự cố như: Hỏng lốp, hệ thống lái, hệ thống điện và một số sự cố liên quan đến máy móc… đều được can thiệp xử lý kịp thời không gây ùn tắc kéo dài”, Thiếu tá Đào Việt Long cho biết thêm.

Thượng tá Lê Quang Hòa, Trưởng phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết, sau khi xử phạt nghiêm, số lượng xe đi vào làn khẩn cấp giảm đáng kể so với trước. Thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông sẽ kiến nghị lực lượng chức năng hạn chế xe trọng tải lớn lưu thông trên tuyến theo giờ như một số giải pháp để giảm ùn tắc.

Hướng tới giải pháp lâu dài, hiện tại ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát liên tục tạo chuyển biến nâng cao ý thức người tham gia giao thông, Công an thành phố Hà Nội còn đồng bộ giải pháp kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, tăng cường hơn nữa hệ thống camera xử phạt nguội, kết hợp dữ liệu vi phạm được người dân gửi về… không để tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” sau cao điểm kết thúc vào ngày 20-10 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để hết cảnh “bắt cóc bỏ đĩa”...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.