Du lịch

Để du lịch nông nghiệp, nông thôn “cất cánh”

Hoàng Lân 07/11/2023 - 17:27

Ngày 7-11, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội thảo “Giải pháp quản lý và phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Hà Nội”.

2(3).jpg
Du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội đang được đánh giá là "mỏ vàng".

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng du khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ khách đi du lịch nông thôn tăng 10-30%.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có 11 trang trại có hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch, trải nghiệm sinh thái nông nghiệp; 4 hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm gồm: Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn), Hợp tác xã rau Đường Lâm (Sơn Tây), Hợp tác xã trải nghiệm xã Đồng Tiến (Ứng Hòa), Hợp tác xã Hồng Vân (Thường Tín).

Đánh giá lợi ích của phát triển dịch nông nghiệp, nông thôn, TS Nguyễn Tiến Định (Cục Kinh tế hợp tác & Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT) nêu rõ, mô hình du lịch nông thôn không chỉ đem lại sinh kế cho nông dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái, hỗ trợ cho sự phát triển điểm đến du lịch.

Mặc dù mang lại lợi ích kinh tế, nhưng theo các chuyên gia, loại hình du lịch này vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là khai thác các sản phẩm sẵn có, chưa tạo ra sự độc đáo về văn hóa và giá trị gia tăng sản phẩm. Nguyên nhân là do thiếu quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực này chưa cụ thể.

1(4).jpg
Hội thảo “Giải pháp quản lý và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội”.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Nhiều điểm đến gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch.

Để khắc phục những bất cập trong quá trình phát triển loại hình du lịch này đòi hỏi cơ quan quản lý xây dựng chính sách cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, khai thác điểm đến. Các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch cho rằng, nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đưa du khách về khu vực nông thôn, cũng như đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở thu gom và xử lý rác. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần xây dựng bộ tiêu chuẩn công nhận, đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng tại khu vực nông thôn, từ đó thống nhất cách thức quản lý; đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế nhằm huy động vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng cơ sở.

Trước những ý kiến đóng góp của chuyên gia, doanh nghiệp, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thông tin, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Trong đó đã định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước. Thành phố cũng đã chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục sáng tạo ra các sản phẩm mới lạ, độc đáo trên cơ sở tập trung vào thế mạnh của địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để du lịch nông nghiệp, nông thôn “cất cánh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.