(HNM) - Chưa có thống kê đầy đủ về tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn thành phố Hà Nội, song chắc chắn số lượng không nhỏ. Là dạng vi phạm có thể gây hậu quả vô cùng to lớn về tính mạng con người, vật chất, nhưng một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa quan tâm đúng mức tới lĩnh vực này.
Có muôn vàn kiểu xâm phạm hành lang lưới điện và xuất hiện cả ở đô thị, vùng nông thôn. Vi phạm phần lớn xảy ra khi xây dựng công trình; chiếm dụng đất trong hành lang lưới điện để sản xuất, kinh doanh dịch vụ; thả vật thể bay... Đã có không ít sự cố, nhẹ là gây khó khăn trong sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành đường dây, làm mất điện; nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến tính mạng và an toàn tài sản của các tổ chức, cá nhân... Và sau mỗi sự cố, ngành Điện Thủ đô phải mất rất nhiều thời gian, kinh phí để khắc phục.
Trên thực tế, những vi phạm thường không khó để phát hiện, nhưng việc xử lý lại rất chậm chạp. Điều này xuất phát từ việc nhân lực ngành Điện dành cho công tác rà soát, phát hiện vi phạm không nhiều nên nhiều trường hợp vi phạm không được ngăn chặn từ khi phát sinh. Trong khi đó, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương cũng thiếu sâu sát, buông lỏng quản lý nên việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Vi phạm không được xử lý hoặc xử lý chưa nghiêm đã trở thành nỗi lo thường trực của ngành Điện, nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề. Vì thế, trước mắt, ngành Điện Thủ đô cần tập trung rà soát tổng thể thực trạng vi phạm và phân loại theo từng nhóm hành vi. Từ đó chủ động phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính quyền các địa phương để có phương án xử lý kịp thời. Sau khi đã khôi phục hiện trạng, các bên phải có sự bàn giao trên thực tế để chống tái vi phạm và ngăn chặn vi phạm mới nảy sinh.
Hiện pháp luật đã quy định đầy đủ về các hình thức xử lý vi phạm, cả về mặt hành chính và hình sự. Tuy nhiên, số vi phạm bị xử lý còn rất khiêm tốn. Do đó, bên cạnh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cơ quan chức năng nên rà soát, nghiên cứu, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi quy định hiện hành theo hướng tăng nặng đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện, bảo đảm đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Liên quan đến nhiệm vụ thường xuyên, ngành Điện và chính quyền các địa phương cần tuân thủ nghiêm Quy định quản lý, bảo đảm an toàn điện trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND (ngày 3-3-2022) của UBND thành phố Hà Nội. Tăng cường triển khai các chương trình phối hợp công tác hằng năm, xác định rõ trách nhiệm mỗi bên, tránh sự đùn đẩy, né tránh trong xử lý vi phạm. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, cơ quan, tổ chức. Mặt khác, cần đa dạng hình thức tuyên truyền, sử dụng thế mạnh của mạng internet, các nền tảng mạng xã hội.
Có một thực tế là, hiện Hà Nội đã hạ ngầm được khá nhiều lưới điện. Vì thế, cơ quan chức năng không chỉ bảo vệ hành lang an toàn lưới điện ở không gian trên mặt đất, mà còn ở cả không gian ngầm. Tại những nơi có lưới điện, cần công khai quy định về khoảng cách an toàn ở những nơi dễ quan sát, tạo thuận lợi để người dân chủ động thực hiện.
Khi nhận thức của người dân được nâng lên, chính quyền các địa phương cộng đồng trách nhiệm với ngành Điện, dòng điện sẽ thông suốt, mang lại lợi ích chung cho toàn nền kinh tế và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.