(HNM) - Chăm lo cho an sinh xã hội
Trong Di chúc, Người nhắc nhở: "Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân". 45 năm thực hiện Di chúc của Người, nước ta đã có bước đột phá về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Nhưng thực tế đòi hỏi kết quả phải cao hơn nữa.
1. Từ những ngày đầu tiên đất nước độc lập, với cương vị người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào việc chỉ đạo diệt giặc đói. Người coi giặc đói cũng nguy hiểm như giặc dốt, giặc ngoại xâm. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3-9-1945, Người khẳng khái chỉ rõ: "Nước nhà đã giành được độc lập tự do mà dân vẫn còn đói nghèo cực khổ thì độc lập tự do không có ích gì''. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn khi ấy, Người chỉ đạo Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất, rồi mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo. Giải pháp cấp bách kịp thời này đã cứu đói cả triệu đồng bào. Chỉ sang đầu năm 1946, sản lượng hoa màu đã tăng gấp bốn lần so với thời kỳ Pháp thuộc, bù đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Nhờ vậy, giặc đói dần bị đẩy lui.
Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Yến Ngọc |
Chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào là tâm huyết suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Trước lúc đi xa, Người vẫn đặc biệt lưu ý về việc này. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Muốn chăm lo đời sống cho nhân dân, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo phải không ngừng đề cao trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về trách nhiệm của người lãnh đạo, của người cán bộ, đảng viên với đời sống nhân dân. Người nhịn ăn, nhường cơm sẻ áo cho chiến sĩ đồng bào. Người từng khẳng định: "Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon ngủ không yên". Đối với cán bộ, đảng viên, Người nêu rõ trách nhiệm: "Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng" và "Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải là để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Nhật - Pháp, việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh".
2. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân, Đảng và Nhà nước đã đề ra những chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả, đem lại thành tựu vượt bậc. Từ chỗ phải nhập khẩu lương thực chất lượng thấp về để cứu đói, đất nước đã vươn lên không chỉ bảo đảm cung cấp đủ lương thực chất lượng cao cho 90 triệu dân mà còn trở thành một phần quan trọng trong bản đồ bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, hàng chục triệu hộ gia đình Việt Nam đã thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 7,8% (năm 2013). Tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo nhất cả nước (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ) đã giảm từ 58,33% (năm 2010) xuống còn 38,2% (năm 2013), bình quân giảm trên 7%/năm. Ngay tại Hà Nội, dù với chuẩn nghèo cao hơn hẳn mặt bằng chung của cả nước, mỗi năm thành phố giảm được khoảng 2 vạn hộ nghèo; hiện số hộ nghèo toàn thành phố chỉ còn dưới 3%. Các hộ nghèo được tạo điều kiện về nhiều mặt, có nhiều cơ hội để tự vươn lên thoát nghèo. Trên cả nước, năm 2013, đã có 621.000 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; 196.000 lượt học sinh, sinh viên vay vốn học tập với số tiền 5.335 tỷ đồng…
Liên tục nhiều năm qua, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo luôn là một trong những mục tiêu hành động của Chính phủ. Mặc dù ngân sách khó khăn, nhưng nguồn lực cho xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội luôn được ưu tiên. Từ năm 2003 đến nay, ngân sách luôn bảo đảm trên 50% chi phí cho bảo đảm an sinh xã hội, chiếm khoảng 6% GDP. Hệ thống các chính sách an sinh xã hội ngày càng hoàn chỉnh.
Nước ta đã hoàn thành trước thời hạn tất cả các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015, được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận việc công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34). Đây có thể nói là bước đột phá về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề an sinh xã hội, là việc làm thiết thực nhất thực hiện Di chúc của Bác về chăm lo đời sống nhân dân.
3. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nước ta còn nhiều bất cập. Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 do Quốc hội tiến hành vừa qua cho thấy, hệ thống chính sách về giảm nghèo còn chồng chéo; nhiều chính sách còn nhiều vướng mắc trong thực hiện. Trên thực tế, giảm nghèo chưa bền vững, số hộ cận nghèo còn nhiều, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, ở vùng đô thị hóa và thất nghiệp ở thành thị còn nhiều. Nguồn lực cho an sinh xã hội chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, với diện bao phủ và mức hỗ trợ còn thấp. Đáng lo hơn, việc triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo còn nhiều sơ hở, tạo điều kiện cho các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát ngân sách, là nguyên nhân khiến nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với kết quả an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, hệ thống bảo đảm an sinh xã hội sẽ bao phủ toàn dân. Hệ thống này đặt trọng tâm vào các mục tiêu như: Giảm nghèo đa chiều bền vững; tiếp cận và thụ hưởng công bằng các dịch vụ và các phúc lợi xã hội, các nguồn lực, cơ hội và thành quả phát triển cho người dân, ưu tiên người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, người dân nông thôn, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và sinh viên; tăng cường nhận thức của cộng đồng, trợ giúp pháp lý, năng lực của cơ quan thực thi pháp luật về quyền con người.
Khắc phục hạn chế, vướng mắc và thực hiện mục tiêu chiến lược trên là hai nhiệm vụ song song đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Đảng, Nhà nước, mà còn cần sự tham gia của mỗi người dân. Bởi vì bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó ý thức chủ động tận dụng cơ hội để tự vươn lên của chính những người yếu thế, người nghèo là nhân tố có ý nghĩa quyết định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.