(HNM) - Cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục trở thành một trong những tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới khi Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) ghi nhận nhiều vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông.
Xung đột leo thang tại miền Đông đe dọa nền kinh tế Ukraine. |
Quân đội chính phủ cho rằng họ đã phải hứng chịu những đợt tấn công lớn nhất trong 6 tháng qua khi giao tranh nảy lửa xảy ra gần thành phố cảng Mariupol. Phủ nhận những thông tin này, lực lượng đòi độc lập cáo buộc quân đội nước này đã nã pháo dữ dội vào các cứ điểm của họ. Căng thẳng mới xảy ra sau khi các quan chức thuộc Nhóm tiếp xúc ba bên về Ukraine (gồm Nga, Ukraine và OSCE) nhóm họp trở lại tại thủ đô Minsk của Belarus với hy vọng duy trì được lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa giải chính trị được ký kết cách đây gần 6 tháng. Nội dung cuộc họp lần này là tham vấn với đại diện các khu vực của 2 tỉnh Donesk và Lugansk về vấn đề phi quân sự hóa làng Shirokino, chuẩn bị thỏa thuận rút vũ khí cỡ dưới 100mm khỏi khu vực giới tuyến, thảo luận phần chính trị của tiến trình giải quyết cuộc xung đột và vấn đề kinh tế - nhân đạo.
Thế nhưng, tình hình xung đột vẫn chưa được cải thiện. Xung đột leo thang mới xuất phát từ các cuộc tấn công xảy ra ở khu vực do Chính phủ Ukraine kiểm soát đang đe dọa nghiêm trọng đến tinh thần và các điều khoản trong Thỏa thuận ngừng bắn Minsk mà các bên liên quan vừa đạt được hồi tháng 2 vừa qua tại Belarus.
Trước thực trạng này, Cơ quan Hành động Đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EAS) đã lên tiếng cực lực phản đối, đặc biệt là vụ phóng hỏa xe tăng của các nhân viên OSCE tuần qua và việc nhiều quan sát viên của tổ chức này bị bắt giữ tại các điểm giao tranh ở Shchastya và Shyrokine trong thời gian gần đây.
Điều đáng quan ngại là số vụ tấn công nhằm vào các quan sát viên OSCE đã tăng lên trong những tuần vừa qua tại miền Đông Ukraine. Các cuộc giao tranh khốc liệt giữa quân đội chính phủ và lực lượng đòi độc lập khiến ít nhất 6.800 người thiệt mạng trong vòng 15 tháng qua. Xung đột leo thang tại miền Đông diễn ra trong bối cảnh Chính phủ của Tổng thống Petro Poroshenko đang phải đối mặt với không ít khó khăn về tài chính. Nền kinh tế Ukraine có nguy cơ bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ do hậu quả của nhiều năm quản lý kinh tế yếu kém, tham nhũng và cuộc xung đột đang diễn ra.
Theo kế hoạch, quốc gia Đông Âu này sẽ phải thanh toán số trái phiếu Châu Âu trị giá hơn 500 triệu USD đáo hạn vào ngày 23-9 tới. Do ngân khố gần như trống rỗng và chính quyền đang phải dành nguồn tài chính cho chiến dịch quân sự tại miền Đông, nên Ukraine đã đưa ra đề xuất được giãn nợ, giảm lãi suất và cắt giảm 40% số tiền phải trả. Nhưng, các chủ nợ không đồng ý và chỉ chấp nhận cắt giảm cho Ukraine 5-10%, kèm theo các điều khoản rất khắc nghiệt. Trong khi đó, cuộc đàm phán nhằm tái cơ cấu khoản nợ công nước ngoài trị giá 23 tỷ USD của Ukraine đã kéo dài hơn 4 tháng cũng chưa đi tới hồi kết.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cho biết, nợ công của Ukraine dù ổn định nhưng lại mang tính "rủi ro rất cao" do cuộc xung đột ở miền Đông. Theo IMF, nợ công của Ukraine có thể lên đến mức 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay và đây là mối lo ngại đặc biệt. Cho đến nay, các cuộc đàm phán của Ukraine với các chủ nợ tư nhân vẫn chưa đem lại kết quả. Vì thế, IMF cho rằng, triển vọng kinh tế Ukraine sẽ không mấy khả quan bởi quốc gia này vẫn đang loay hoay bàn thảo kế hoạch tái cấu trúc các khoản nợ và nhu cầu tái cấp vốn cho các ngân hàng lớn hơn nhiều so với dự kiến.
Một lần nữa, Ukraine trở thành "điểm nóng" về bất ổn ở Châu Âu. Trong chuyến thăm Ukraine tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết, xứ Sương mù sẽ mở rộng chương trình huấn luyện cho quân đội nước này nhằm hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến chống lực lượng đòi độc lập ở miền Đông. Tuy nhiên, lực lượng đòi độc lập luôn phản đối sự hiện diện của các nhóm nhân viên quân sự nước ngoài khi cho rằng, điều này sẽ hủy hoại tiến trình hòa bình tại miền Đông. Giới phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine chưa thể kết thúc nếu khu vực miền Đông Ukraine vẫn xảy ra các cuộc xung đột và tấn công bạo lực. Đây sẽ là rào cản lớn cho nỗ lực phát triển kinh tế đầy tham vọng của Tổng thống Petro Poroshenko.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.