(HNM) - Hàng loạt công trình cải tạo, nâng cấp cầu yếu tại vùng ngoại thành Hà Nội được khẩn trương hoàn thành, đưa vào khai thác trong giai đoạn vừa qua đã góp phần đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, thuận lợi cho kết nối giao thương giữa các địa phương. Đó là nội dung trao đổi của ông Nguyễn Xuân Thanh - Phó Giám đốc (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) với phóng viên Báo Hànộimới về việc thực hiện chủ trương cải tạo cầu yếu trên địa bàn Thủ đô.
- Ông có thể cho biết về tiến độ triển khai các dự án nằm trong danh mục 34 cầu yếu trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
- Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 735/TTg-KTN (ngày 11-5-2011) về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu các gói thầu tư vấn và xây lắp đối với 34 công trình vượt sông mang tính cấp bách trên địa bàn ngoại thành Hà Nội. Thực hiện chỉ đạo này, UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông - Vận tải và các đơn vị chức năng đã khẩn trương triển khai nhiệm vụ. Đến nay, đã hoàn thành 28/34 cầu; cầu Ái Mỗ (thị xã Sơn Tây) và cầu Chiếc (huyện Thường Tín) đang được chủ đầu tư và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành trong năm 2020.
Như vậy, đến hết năm nay, thành phố sẽ hoàn thành 30/34 cầu. Việc hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác các công trình này đã từng bước hoàn thiện, kết nối mạng lưới hạ tầng giao thông nông thôn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có dự án.
Điển hình như cầu Ngọc Hồi thuộc địa bàn huyện Thanh Trì nằm trên tuyến quốc lộ 1A do nhỏ hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, đã nhiều năm là “điểm đen” thường xuyên ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, từ khi hoàn thành, đưa vào khai thác đến nay, “điểm đen” này đã được xử lý dứt điểm, các phương tiện lưu thông qua đây thuận lợi, dễ dàng. Hay như cầu Phú Tiên vượt sông Nông Giang được hoàn thành tháng 9-2019, đã nối thông huyện Phú Xuyên của Hà Nội với thị xã Duy Tiên của tỉnh Hà Nam, giúp giao thương giữa hai địa phương thuận lợi...
Có thể nói, các công trình cải tạo cầu yếu có quy mô và tổng mức đầu tư không lớn, nhưng đã phát huy hiệu quả cao, có ý nghĩa rất lớn đối với chính quyền và nhân dân các địa phương của thành phố.
- Như ông vừa nói, đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành cải tạo, nâng cấp 30/34 cầu yếu. Vậy, với 4 cầu yếu còn lại tại sao chưa thực hiện?
- Qua rà soát, 4 cầu yếu còn lại gồm: Cầu Trại Gà vượt mương thủy lợi (huyện Đông Anh), cầu Trắng vượt sông Nhuệ (quận Hà Đông), cầu Hoàng Thanh vượt sông Đáy (nối hai huyện Chương Mỹ và Thanh Oai) và cầu vượt sông Nhuệ trên đường Dịch Vọng - Phú Mỹ - Cầu Diễn nối ra quốc lộ 32 (quận Nam Từ Liêm). Trong số 4 cầu nói trên có 2 cầu không thực hiện và 2 cầu chưa thực hiện. 2 cầu không thực hiện là cầu Trại Gà do không có trong quy hoạch, đã được củng cố để khai thác bảo đảm an toàn giao thông; còn cầu Trắng, sau khi được kiểm định đã xác định kết cấu chính vẫn đáp ứng yêu cầu khai thác, nên đã được củng cố và khai thác an toàn, quá trình khai thác được theo dõi thường xuyên.
2 cầu chưa thực hiện là cầu Hoàng Thanh và cầu vượt sông Nhuệ. Nguyên nhân là cầu Hoàng Thanh trong quá trình chuẩn bị đầu tư chưa thỏa thuận được với Bộ NN&PTNT về các thông số kỹ thuật do liên quan đến quy hoạch thoát lũ sông Đáy và Luật Đê điều. Cầu vượt sông Nhuệ vẫn đang vướng công tác giải phóng mặt bằng. Hiện, Ban Quản lý các dự án công trình giao thông thành phố Hà Nội đang lập chủ trương đầu tư điều chỉnh trình phê duyệt để làm căn cứ thực hiện.
- Ngoài 34 công trình nói trên, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều cầu yếu khác đang chờ được “giải cứu”. Vậy, ông có thể cho biết, thành phố đã có chủ trương như thế nào với các cầu yếu này?
- Việc kiểm tra, rà soát các cầu đang khai thác trên các tuyến đường được chỉ đạo thường xuyên, yếu tố an toàn được đưa lên hàng đầu. Năm 2019, UBND các huyện: Chương Mỹ, Thạch Thất, Phúc Thọ và Phú Xuyên đã chủ động kiểm tra, đề xuất UBND thành phố hỗ trợ để cải tạo, sửa chữa 26 cầu yếu trên địa bàn. Trong đó, có 6 cầu thuộc huyện Phúc Thọ; 2 cầu thuộc huyện Thạch Thất; 9 cầu thuộc huyện Phú Xuyên và 9 cầu thuộc huyện Chương Mỹ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Giao thông - Vận tải đã tổ chức các hội nghị liên ngành với các Sở và UBND các huyện liên quan, kiểm tra hiện trường, thống nhất về sự cần thiết đầu tư để báo cáo thành phố. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất, cân đối nguồn vốn. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện và thị xã Sơn Tây kiểm tra, rà soát, lập danh mục cầu yếu để làm cơ sở tổng hợp đề xuất chung cho các địa phương. Sau khi thông qua phương án đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố sẽ chỉ đạo các Sở chuyên ngành, địa phương và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Danh mục 26 cầu yếu đang đề xuất sớm cải tạo, nâng cấp:
- 6 cầu thuộc huyện Phúc Thọ gồm: Cầu Hiệp Thuận; cầu qua cống Ngọc Tảo; cầu Tam Hiệp 1, 2; cầu Phụng Thượng 2 và 3.
- 2 cầu thuộc huyện Thạch Thất gồm: Cầu Gấu xã Lại Thượng, cầu Phú Kim.
- 9 cầu thuộc huyện Phú Xuyên gồm: Cầu Hồng Thái, cầu Văn Minh bắc qua kênh máng 7 xã Văn Nhân, cầu Gầm, cầu Anh Trỗi, cầu Tân Dân (cầu Tre), cầu Thủy Trú, cầu Kiều Đông, cầu Phương Nhị, cầu Dâu.
- 9 cầu thuộc huyện Chương Mỹ gồm: 3 cầu (số 1, 2, 3) xã Phụng Châu; cầu Đầm Sẽ; cầu Thôi Bắc; cầu Quảng Bị; cầu Hợp Đồng (cầu Đồng Lệ); cầu Cốc Thượng; cầu Lam Điền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.