(HNM) - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 22-2-2022) về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa, lãnh đạo địa phương, người dân Thủ đô đánh giá rất cao và bày tỏ mong muốn, quyết tâm sớm hiện thực hóa những mục tiêu của nghị quyết.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội:
Hà Nội có tiềm năng to lớn để phát triển công nghiệp văn hóa
Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, có tiềm năng to lớn về sáng tạo để phát triển công nghiệp văn hóa. Trên địa bàn thành phố có nhiều trường văn hóa, nghệ thuật; khoảng 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu tạo ra những sản phẩm độc đáo... Đây cũng là nơi lao động nghệ thuật của đông đảo nghệ sĩ. Ngoài ra, Hà Nội còn mang trong mình thương hiệu Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo với hệ thống các di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận... Từ những lợi thế này, việc Thành ủy Hà Nội lựa chọn, đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Thời gian tới, theo tôi, Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công nghiệp văn hóa, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần có chương trình hành động cụ thể, phù hợp để phát triển lĩnh vực này.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng:
Bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trên cơ sở nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô. Trong đó, sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa, ẩm thực…, góp phần phát triển mạng lưới doanh nghiệp văn hóa, hình thành một số tập đoàn công nghiệp văn hóa lớn…
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long:
Đẩy mạnh đổi mới tư duy, nhận thức
Nằm ở vị trí trung tâm của Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay, quận Hoàn Kiếm tự hào là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, cùng những tinh hoa văn hóa của vùng đất ngàn năm văn hiến. Do vậy, từ mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy, quận sẽ đẩy mạnh đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân; tập trung chỉ đạo triển khai số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu số bảo đảm phát triển công nghiệp văn hóa có tính liên thông và chuyên nghiệp; có giải pháp để sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, độc đáo, mang đậm bản sắc Hà Nội; đầu tư, tôn tạo thiết chế văn hóa, các di tích quốc gia, di sản thế giới…; qua đó, phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa.
Ông Trần Văn Hưng, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm):
Chú trọng đầu tư sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao
Việc Thành ủy Hà Nội định hướng phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đưa văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Để cụ thể hóa mục tiêu này, theo tôi, chúng ta phải tích cực hành động, triển khai tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa và định hướng cách giữ gìn, phát triển nền văn hóa Thủ đô đến từng chi bộ, từng người dân. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách thu hút nhân tài, cán bộ quản lý trong lĩnh vực văn hóa; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; chú trọng đầu tư các sản phẩm, dịch vụ văn hóa chất lượng cao, đa dạng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội.
Bà Vũ Thanh Hà, phường Quang Trung (quận Hà Đông):
Để mỗi người dân hiểu, tự hào về mảnh đất mình đang sống
Muốn đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tôi nghĩ, cần từng bước tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân Thủ đô hiểu, cảm nhận và tự hào về chính mảnh đất mình đang sinh sống, làm việc. Khi họ có cảm giác được “hưởng thụ” các sản phẩm văn hóa từ việc thành phố đầu tư cho công nghiệp văn hóa và chính lĩnh vực này lại tạo ra công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập... thì chắc chắn ai cũng sẽ tình nguyện tham gia, có trách nhiệm hơn trong việc chung sức cùng thành phố đưa công nghiệp văn hóa phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.