(HNM) - Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến nay, cả nước đã có 2.400 công chứng viên hành nghề tại hơn 1.000 tổ chức hành nghề công chứng trên toàn quốc. Các tổ chức hành nghề công chứng phát triển khá mạnh mẽ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố lớn khác.
Kéo theo đó, số lượng, giá trị các hợp đồng, giao dịch thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng cũng tăng nhanh. Sự phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã đáp ứng nhu cầu của xã hội, giảm tải cho cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc tăng nhanh về số lượng, trong khi công tác quản lý nhà nước không theo kịp cũng đã tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa một số tổ chức hành nghề công chứng, dẫn đến tình trạng có công chứng viên làm bừa, làm ẩu, thậm chí cố tình vi phạm pháp luật.
Cũng theo thống kê của Bộ Tư pháp, số đơn khiếu nại, tố cáo phản ánh về hoạt động công chứng, công chứng viên ở các địa phương gửi về Bộ có dấu hiệu gia tăng. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hiện tượng sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng không đúng quy định; thiếu chữ ký của công chứng viên hoặc người yêu cầu công chứng vào từng trang của hợp đồng giao dịch khi công chứng vẫn xảy ra. Thậm chí, tình trạng treo biển hiệu không đúng quy định, công chứng ngoài trụ sở… là bất cập tái diễn nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Năm 2018, tại Hà Nội, cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ hoạt động đối với một văn phòng công chứng, xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 văn phòng công chứng và 5 công chứng viên với tổng số tiền 49 triệu đồng... Trong khi đó, từ nguồn tin tố giác của người dân, TP Hồ Chí Minh phát hiện một số cá nhân, tổ chức có hành vi hoạt động hành nghề công chứng trái phép, làm giả và sử dụng con dấu của văn phòng công chứng quận 12.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn, với hơn 100 tổ chức hành nghề công chứng và gần 500 công chứng viên trên địa bàn, bên cạnh những thuận lợi trong việc góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho cá nhân, tổ chức, đóng góp ngân sách nhà nước thì cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý. Do đó, năm 2019, TP Hà Nội sẽ quan tâm xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan để phân định trách nhiệm của các ngành, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh quản lý khai thác, cập nhật dữ liệu trong lĩnh vực công chứng.
Ở góc nhìn khác, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, yêu cầu cấp thiết đối với hoạt động công chứng hiện nay là cần tập trung nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức hành nghề của công chứng viên và hiệu quả hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng hiện có. Sở Tư pháp các địa phương cần chủ động tổ chức các cuộc họp giao ban nhằm trao đổi, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công chứng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm của công chứng viên để nâng cao tính răn đe, chuyên nghiệp, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, xứng đáng là những “người gác cổng” cho các hợp đồng khi cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.