Sau 9 năm Luật Công chứng năm 2014 đi vào cuộc sống, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi luật cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều; nhiều tổ chức trong quá trình hoạt động đã để xảy ra sai phạm...
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, cơ quan chức năng đã xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi), lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024)...
Còn nhiều bất cập
Luật Công chứng được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Sau 9 năm triển khai thực hiện, đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta ngày càng phát triển...
Hiện cả nước có gần 1.300 tổ chức hành nghề công chứng, hơn 3.300 công chứng viên. Sau 9 năm thực thi luật, tổng số phí công chứng thu được hơn 13.000 tỷ đồng, thù lao công chứng là hơn 2.000 tỷ đồng, nộp tiền thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỷ lệ 70-80%, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, tránh thất thoát nguồn thu thuế, hạn chế phát sinh tranh chấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện luật cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trong đó đáng chú ý là chất lượng đội ngũ công chứng viên còn chưa đồng đều. Hiện đang xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu tổ chức công chứng. Cụ thể, trong khi khu vực thành thị, tổ chức hành nghề công chứng “trăm hoa đua nở”, thì ở vùng sâu, vùng xa lại thiếu vắng. Không những vậy, nhiều tổ chức hành nghề công chứng đã để xảy ra sai phạm trong quá trình hoạt động. Đơn cử, gần đây nhất, 1 Trưởng Văn phòng công chứng ở tỉnh Bình Dương bị khởi tố, 1 công chứng viên bị bắt do vi phạm trong quá trình hành nghề. Với hàng loạt sai phạm, Văn phòng công chứng Dương Thái Hoàng (huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) bị xử phạt hành chính 145 triệu đồng.
Còn tại Hà Nội, qua các cuộc thanh tra đột xuất và theo kế hoạch từ năm 2023 đến nay, Sở Tư pháp phát hiện Văn phòng công chứng Mỹ Đức thu phí công chứng không đúng quy định; Văn phòng công chứng Trịnh Như Tố có hiện tượng thiếu chữ ký công chứng viên...
Một hạn chế nữa là hiện hệ thống dữ liệu công chứng chưa được liên thông trên toàn quốc và một số tỉnh chưa hình thành dữ liệu công chứng. Do đó, khó xác thực được bất động sản có bị phong tỏa/ngăn chặn khẩn cấp hay đã thực hiện giao dịch tại những tỉnh không phải nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở... Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, Luật Công chứng hiện hành cũng chưa quy định hành lang pháp lý cho hoạt động công chứng điện tử và chuyển đổi số hoạt động công chứng nên chưa có cơ sở pháp lý triển khai.
Bảo đảm chất lượng đội ngũ công chứng viên
Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm an toàn pháp lý của các giao dịch dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội dự án Luật Công chứng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024).
Thông tin về định hướng sửa đổi trong dự án Luật Công chứng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Lê Xuân Hồng nhấn mạnh, công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là một nghề bổ trợ tư pháp. Công chứng viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm. Trên tinh thần đó, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện. Ban soạn thảo bổ sung 4 điều hoàn toàn mới quy định một số vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử, trong đó giao Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế.
Một điểm mới đáng chú ý nữa của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đó là, để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên, tại Điều 10 dự thảo luật quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng thống nhất là 12 tháng, giúp cho các đối tượng tập sự đủ thời gian trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. Dự án luật quy định rõ, người tập sự hành nghề công chứng phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự để bảo đảm sự nghiêm túc, thực chất của việc tập sự.
Về quyền, nghĩa vụ của công chứng viên, tại Điều 16 dự án luật làm rõ và nâng cao trách nhiệm của công chứng viên, trong đó có nghĩa vụ phải “gia nhập Hội Công chứng viên tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó”.
Theo luật gia Lê Quang Vững, quy định như dự thảo là hoàn toàn phù hợp bởi hiện nay cả nước đã có 63/63 địa phương thành lập được Hội Công chứng viên. Mặt khác, với đặc thù là chức danh tư pháp, do vậy ngoài bảo đảm chuyên môn, nghiệp vụ thì công chứng viên cần tuân thủ nghiêm đạo đức nghề nghiệp, cần một tổ chức nghề nghiệp quản lý và kiểm soát để bảo đảm chất lượng hành nghề, quản lý hồ sơ, dữ liệu công chứng, đồng thời góp phần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cả công chứng viên và người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.