Xã hội

Phát triển đội ngũ công chứng viên: “Lượng” và “chất” phải đồng đều

Hà Phong 18/07/2023 - 07:01

Thực hiện Luật Công chứng, đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta đã và đang phát triển, tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Chiếm tỷ lệ lớn là các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở và các bất động sản khác, qua đó bảo đảm an toàn pháp lý cho các tài sản có giá trị lớn. Song, trên thực tế, có tăng về “lượng” nhưng “chất” lại chưa đồng đều, đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật về công chứng.

thuc-hien-thu-tuc-cong-chun.jpg
Thực hiện thủ tục công chứng cho người dân tại một phòng công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội.  Ảnh: Nguyễn Gia

Băn khoăn tiêu chuẩn công chứng viên

Gần đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã thi hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc của 2 bị can Trịnh Quang Nho và Vũ Nhật Minh Trung, đều là công chứng viên làm việc tại Văn phòng Công chứng Sở Sao, thành phố Thủ Dầu Một, để điều tra về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trước đó, vào năm 2016, cũng từng có đơn thư tố cáo hai người này để "sổ đỏ giả lọt cửa công chứng" khiến người mua bị thiệt hại.

Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội cũng liên tiếp phát hiện những vụ lừa đảo bằng sổ đỏ giả để chiếm đoạt tài sản với giá trị hàng trăm tỷ đồng, gây xôn xao dư luận. Chỉ một ngôi nhà, nhưng có đến bốn sổ đỏ, được giao cho bốn người, khi công an vào cuộc họ mới tá hỏa tất cả đều là giả, chỉ có chất liệu phôi là thật. Cũng bằng thủ đoạn này, nhiều đối tượng còn làm giả hàng loạt sổ đỏ giả, mang đi thế chấp vay tiền của nhiều ngân hàng, chiếm đoạt tiền tỷ. Điều đáng lo ngại là việc giao dịch trong các trường hợp lừa đảo nói trên đều có hợp đồng đã được công chứng. Chính những thiếu sót và cẩu thả, hay hạn chế trong nghiệp vụ của một số công chứng viên đã gây ra nhiều hậu quả cho người dân và xã hội.

Luật Công chứng quy định người yêu cầu công chứng phải bảo đảm tính chính xác của giấy tờ mà mình công chứng, nhưng mặt khác lại yêu cầu công chứng viên xác nhận tính xác thực. Quy định này khiến cho rất khó xác định tính trách nhiệm của các công chứng viên trong các vụ việc nêu trên. Có ý kiến cho rằng, nếu có chứng cứ chứng minh công chứng viên biết là giấy tờ giả mà vẫn cố tình xác nhận vào đó thì mới có thể quy trách nhiệm. Vì suy cho cùng, công chứng viên cũng chỉ là nạn nhân của hành vi lừa đảo.

Phải bảo đảm chất lượng “đầu vào“

Từng suýt là nạn nhân của việc sử dụng giấy tờ mua bán nhà giả mạo khi đi công chứng, bà Nguyễn Thị Nga ở quận Hà Đông chia sẻ, dù nghi ngờ nhưng quy trình để hỏi các cơ quan chức năng quá phức tạp, thiếu thời hạn trả lời nên đã quyết định không mua bán nữa.

Bà Nguyễn Thị Nga đề xuất, Luật Công chứng cần sửa đổi theo hướng quy định rõ trách nhiệm thời hạn để các cơ quan tổ chức liên quan, đặc biệt là ngành Tài nguyên - Môi trường có nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu khi người dân, công chứng viên yêu cầu, mới tránh xảy ra tranh chấp về sau. Trường hợp không đáp ứng kịp thời dẫn đến việc công chứng của công chứng viên không chính xác, gây thiệt hại thì các cá nhân, cơ quan tổ chức đó phải bồi thường…

Từ thực tế nhiều công chứng viên khi được bổ nhiệm đã ở tuổi cao (do về hưu, chuyển từ ngành khác sang) không phát huy được hiệu quả công việc, đồng thời không tương xứng với trách nhiệm pháp lý và ảnh hưởng đến uy tín của nghề này, cũng nên có “mức trần” về độ tuổi của công chứng viên theo hướng, người quá 65 tuổi không được bổ nhiệm công chứng viên và công chứng viên quá tuổi 70 sẽ bị miễn nhiệm.

Ngoài ra, theo quy định pháp luật hiện hành, việc xác định thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức trong quy định về điều kiện cần đối với công chứng viên cũng chưa được chặt chẽ. Có trường hợp cán bộ pháp luật đã có thời gian công tác từ 5 năm trở lên nhưng thời gian công tác không liên tục dẫn đến việc tích lũy công việc không cao. Do vậy, quy định này nên được sửa đổi theo hướng “Có thời gian công tác pháp luật liên tục từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức”.

Liên quan đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên và cơ chế phối hợp, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp xây dựng gồm 11 chương với 90 điều cũng hướng đến mục tiêu tập trung chất lượng để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững.

Theo hướng này, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm nghề công chứng viên sẽ được đẩy mạnh, từ đó xác định rõ phạm vi hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên. Xây dựng quy trình công chứng khoa học, gắn với trách nhiệm của công chứng viên, nhằm tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp. Ở chiều ngược lại, Nhà nước cần có sự kiểm soát chặt chẽ để hỗ trợ cho công chứng viên thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đội ngũ công chứng viên: “Lượng” và “chất” phải đồng đều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.