(HNM) - Như thông lệ, đi kèm với sự tấp nập của thị trường bánh trung thu là mối lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Mới đây, trong đợt kiểm tra đột xuất tại làng nghề bánh kẹo truyền thống La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội), Thanh tra Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan đã phát hiện 2/3 số cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm quy định về VSATTP khi đựng nguyên liệu làm bánh trong vỏ thùng sơn, các chất phụ gia dùng để chế biến bánh không rõ nguồn gốc, bánh được đóng gói ngay trên nền nhà…
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia), trong thành phần của bánh trung thu có nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, gia vị, phụ gia (chất tạo màu, chất bảo quản, chất chống mốc…). Việc không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu, các khâu chế biến không bảo đảm quy trình về vệ sinh có thể tạo ra sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Bởi vậy, ngoài việc trông chờ vào sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, để bảo vệ sức khỏe thì khi lựa chọn bánh trung thu, người tiêu dùng cần chú ý đến nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm. Chỉ nên chọn các loại bánh có nguồn gốc rõ ràng, có tên của cơ sở sản xuất, địa chỉ sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản. Đặc biệt, sản phẩm phải có ngày sản xuất, có thời hạn sử dụng. Người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm không bị dập nát, biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không có mùi khác lạ, tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc; tốt nhất là chọn sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng.
Ngoài vấn đề liên quan tới VSATTP, việc sử dụng bánh trung thu cũng là vấn đề đáng quan tâm bởi nếu ăn quá nhiều bánh trung thu, trẻ dễ lâm vào tình trạng thừa cân, béo phì hoặc rối loạn dung nạp glucose, có thể gây ra bệnh tiểu đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.