(HNM) - Chợ truyền thống có vai trò phục vụ đời sống dân sinh, nhu cầu lưu thông hàng hóa và thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, để chợ truyền thống phát huy tốt vai trò quan trọng này, trước sức ép ngày một lớn của thương mại điện tử, thì cần sớm có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc hiện nay.
Chợ Cầu Bươu đã được cải tạo nhưng chưa thu hút nhiều người dân kinh doanh, mua bán. Ảnh: Bá Hoạt |
Không còn sầm uất
Hà Nội hiện có 454 chợ truyền thống được phân hạng, giao cho từng cấp quản lý từ thành phố đến cơ sở. So với trước đây, các chợ truyền thống đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thương mại điện tử phát triển, các trung tâm thương mại, siêu thị “mọc” lên ngày càng nhiều; đặc biệt là tâm lý người tiêu dùng vẫn còn lo ngại về nguồn gốc hàng hóa ở chợ…
Chợ Việt Hưng trước kia vốn nổi tiếng sầm uất, đông nhất nhì ở quận Long Biên, thì nay quanh năm trong cảnh đìu hiu. Bà Nguyễn Thị Hà, một chủ cửa hàng kinh doanh hơn 30 năm tại chợ cũ kể: "Chợ ngày xưa tuy ọp ẹp, người bán vất vả khi chạy trời mưa nhưng buôn bán lại dễ dàng, thu nhập cao. Từ ngày chợ “lên đời” thành trung tâm thương mại với hệ thống cầu thang máy, điện nước hiện đại, ki ốt khang trang thì buôn bán lại ế ẩm, chẳng mấy khách qua lại". Theo chị Lê Thu, bán trái cây đối diện chợ, trước đây khi còn chợ, không chỉ người dân sinh sống quanh đây mà khách ở xa cũng tới mua rất đông, vì đồ tươi ngon, giá hợp lý. Nhưng, từ khi chợ cũ phá đi chuyển thành trung tâm thương mại, chị không còn thói quen vào chợ nữa, mà hằng ngày mua thực phẩm ở cửa hàng tiện lợi gần nhà.
Tương tự, chợ Bưởi một thời là chợ lớn trên địa bàn quận Tây Hồ, nhưng nay đã không còn đông đúc, nhiều ki ốt bỏ trống, gây lãng phí. Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (doanh nghiệp quản lý chợ Bưởi và chợ đầu mối phía Nam) cho biết, một số diện tích chợ chưa khai thác được hết do các hộ dân cố tình không triển khai kinh doanh sau khi đầu tư chợ, nhưng không trả lại mặt bằng; hoặc hết hạn thuê ki ốt/mặt bằng đã ký với Ban Quản lý chợ trước khi bàn giao về Tổng công ty Thương mại Hà Nội quản lý, nhưng không ký hợp đồng tiếp và cũng không bàn giao lại diện tích, không nộp tiền thuê diện tích theo khung giá quy định.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, các chợ hạng một do thành phố quản lý, dù được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại theo quy hoạch với chỉ tiêu tối thiểu 12m2 đất/điểm kinh doanh, nhưng hoạt động không đúng với quy mô đầu tư ban đầu. Hầu như chợ nào cũng có ki ốt bỏ trống do không thu hút được khách hàng, nên tiểu thương cũng không mặn mà kinh doanh... Còn tại các chợ đầu mối, nơi kinh doanh các mặt hàng nông sản, thủy sản..., thì do quy mô lại nhỏ nên chưa đảm nhận được chức năng đầu mối để tập trung các mối hàng cung cấp cho thị trường.
Thời gian qua, chính quyền các cấp đã quan tâm hơn đến công tác quản lý chợ trên địa bàn, chuyển đổi mô hình quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ truyền thống để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới chợ gắn với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chưa kịp thời làm nảy sinh nhiều bất cập. Nhiều chợ sau chuyển đổi đã, đang phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là các chợ dân sinh tại khu vực nội thành, bởi sự gia tăng các cửa hàng tiện ích và người tiêu dùng vẫn cảm thấy không an tâm với nguồn gốc hàng hóa tại chợ.
Lấy doanh nghiệp làm động lực phát triển
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, thực trạng chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đã ở mức “báo động đỏ”, không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng các điều kiện, nhất là công tác phòng cháy và chữa cháy. Do đó, chợ truyền thống cần có những quyết sách mạnh của thành phố và những giải pháp tháo gỡ nhanh các vướng mắc hiện nay. Trong đó, vẫn phải lấy doanh nghiệp làm động lực phát triển, không thể giữ cơ chế bao cấp mãi.
Để các chợ hoạt động có hiệu quả, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho rằng, cần có cơ chế quản lý thống nhất và giao doanh nghiệp quản lý một cách đồng bộ. Trên thực tế, hiện nay chỉ những chợ do doanh nghiệp quản lý bị thu tiền thuê đất, còn chợ do các quận, huyện quản lý đều không phải nộp khoản tiền này. Vì vậy, ông Sơn đề xuất, khi các doanh nghiệp quản lý chợ đã nộp tiền thuê đất, thành phố cần có cơ chế giao quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp để có cơ sở phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế giá thuê đất cho từng mô hình và loại hình chợ có tính đến yếu tố đặc thù, yếu tố lịch sử nhằm giúp thành phố vừa có thể thu được tiền thuê đất theo quy định, vừa giúp doanh nghiệp quản lý chợ có hiệu quả, có nguồn tái đầu tư, bảo đảm công tác kiểm soát về an ninh trật tự, vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Như vậy, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ là đòi hỏi tất yếu, càng làm sớm càng tốt. Các quận, huyện cần khảo sát ý kiến người dân tại từng khu vực và phối hợp giữa các đơn vị liên quan để có cơ sở, căn cứ nhằm sớm chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của chợ; phát triển chợ theo hướng “chợ văn minh”.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, quy hoạch chợ nằm trong quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ được thành phố phê duyệt. Sau 5 năm, nếu quy hoạch không đáp ứng được nhu cầu, hoặc cần điều chỉnh, thành phố sẽ điều chỉnh để chợ truyền thống phát huy tốt hơn vai trò phục vụ đời sống dân sinh, nhu cầu lưu thông hàng hóa và thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn. Thành phố đã, đang đẩy mạnh việc rà soát quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chợ trên địa bàn; đặc biệt quan tâm công tác quản lý chợ, coi đây là một yêu cầu, mục tiêu quan trọng trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo việc làm, môi trường cho các hộ kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Vì vậy, các sở, ngành cần nghiên cứu kỹ vấn đề cung - cầu theo xu thế hiện nay để đầu tư cho trúng, hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.