(HNM) - Từ đầu tháng 7-2020 đến nay, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với các nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone thực hiện các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Cùng với đó, nhà mạng thực hiện ngăn chặn thuê bao phát tán cuộc gọi rác theo quy trình: Xác định các thuê bao nghi phát tán cuộc gọi rác; xác thực lại xem đó có phải là cuộc gọi rác hay không; ngăn chặn; xử lý khiếu nại.
Tính đến đầu tháng 10-2020, sau 3 tháng triển khai, các nhà mạng đã khóa chiều đi 34.700 thuê bao phát tán cuộc gọi rác (đồng thời chặn trên 9 triệu cuộc gọi giả mạo). Tuy nhiên, theo Cục Viễn thông, tỷ lệ người dân phối hợp trả lời tin nhắn xác thực mới chỉ đạt khoảng 5-7%, tức là khi nhà mạng gửi 100 tin nhắn yêu cầu xác thực thì chỉ có 5-7 người trả lời. Đây là một trong những nguyên nhân khiến vẫn còn tình trạng rất nhiều cuộc gọi rác chưa được xử lý.
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp chặn cuộc gọi rác, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng tỷ lệ người dân phối hợp trong khâu xác thực cuộc gọi rác. Cùng với đó, các nhà mạng cần tăng cường phối hợp về mặt kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi rác liên mạng. Đặc biệt, kể từ ngày 1-10-2020, Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực đã có thêm một cơ chế chặt chẽ để ngăn chặn triệt để cuộc gọi rác.
Sự vào cuộc của nhà mạng đã là điều kiện "cần" rất quan trọng để ngăn chặn cuộc gọi rác. Tuy nhiên, điều kiện "đủ" chính là sự tham gia tích cực của người dùng điện thoại di động. Nếu vẫn còn tâm lý "đứng ngoài cuộc", thờ ơ với quyền lợi của chính mình thì dù các cơ quan quản lý có nỗ lực đến mấy, cuộc gọi rác vẫn khó được ngăn chặn hiệu quả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.