Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề cao và phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng

Thùy Liên| 14/03/2019 09:51

(HNMCT) - Việc quản lý lễ hội làng từ lâu đã được xác định là một nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, do chưa có mô hình quản lý phù hợp đối với từng loại hình lễ hội nên ở nhiều nơi việc tổ chức và quản lý lễ hội làng còn lộn xộn, không phát huy được vai trò chủ thể lễ hội, thậm chí còn làm mai một bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ hội làng là dịp con người hướng về nguồn cội, tôn vinh và bồi đắp những giá trị truyền thống tốt đẹp.


Sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, đa sắc

Theo thống kê của ngành Văn hóa, nước ta có gần 8.000 lễ hội trong một năm, tức là bình quân mỗi ngày có hơn 20 lễ hội. Đó là một "kỷ lục" đồng thời thực sự là thách thức đối với công tác quản lý văn hóa nói chung, quản lý lễ hội nói riêng. Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số người tham gia lễ hội, nhưng nếu chỉ tính riêng top 10 lễ hội lớn cấp quốc gia, lễ hội vùng mỗi năm đã thu hút trên dưới 20 triệu lượt người thì tổng số người tham gia ở tất cả lễ hội làng (gần 126.000 thôn, làng, bản) là một con số rất lớn, có thể lên đến hàng chục triệu lượt người.

Lễ hội làng là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, chứa đựng nhiều nội dung, giá trị và ý nghĩa trong văn hóa tín ngưỡng của từng dân tộc, từng địa phương. Nhìn ở góc độ tổng thể, lễ hội là dịp con người hướng về nguồn cội, tôn vinh và bồi đắp truyền thống tốt đẹp. Trong thời hiện đại, cùng với sự biến đổi của xã hội, cách nhìn (sự đánh giá) về lễ hội cũng có nhiều thay đổi. Một mặt, hội làng được người Việt mặc định là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với mỗi làng xã, thôn bản. Lễ hội làng tạo hứng khởi để sau đó mọi người tiếp tục lao động, học tập hiệu quả. Về mặt kinh tế, lễ hội đem lại nguồn thu cho ngân sách địa phương, tạo ra nhiều công ăn việc làm... Nhưng mặt khác, lễ hội cũng để lại những hệ lụy không nhỏ như lãng phí thời gian, suy giảm năng suất cũng như chất lượng lao động, tạo cơ hội cho tệ nạn mê tín dị đoan tồn tại, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội... Tất cả đã cho thấy vấn đề quản lý lễ hội làng không chỉ mang tính chất quan trọng mà còn là yêu cầu cấp bách.

Công tác quản lý chưa theo kịp sự biến đổi của lễ hội

Lễ hội làng ở nước ta rất phong phú, đa dạng, có nhiều loại hình như lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo và cả những lễ hội mang tính nội bộ như lễ hội dòng họ... Do chưa có mô hình quản lý phù hợp đối với từng loại hình nên ở nhiều nơi, việc tổ chức và quản lý lễ hội làng còn rất lộn xộn, không phát huy được vai trò chủ thể của lễ hội, thậm chí còn làm mai một bản sắc văn hóa dân tộc. Ngay như với loại hình lễ hội cổ truyền là lễ hội dân gian, chiếm đa số trong các lễ hội làng, công tác quản lý cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Những giải pháp quản lý cũ đã không còn phù hợp khi mà nhiều thành tố của lễ hội cổ truyền đã thay đổi.

Những hạn chế, yếu kém chủ yếu trong công tác quản lý lễ hội làng xuất phát từ nguyên nhân cán bộ thừa hành chưa đủ năng lực, thiếu sự quyết đoán khi kiểm tra, giám sát..., vì vậy đã gây hậu quả xấu, tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần ở địa phương, khiến dư luận xã hội bức xúc. Sự “vào cuộc” trong tổ chức, quản lý lễ hội của ngành Văn hóa và chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã) ở mỗi nơi mỗi khác khiến cho hiệu quả quản lý khác xa nhau. Nhiều nơi đã có sự thay đổi tích cực như hội Đám làng Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), chính quyền và người dân đã tìm được tiếng nói chung khi rút ngắn thời gian lễ hội từ 5 ngày xuống còn 3 ngày để dành thời gian cho lao động, sản xuất; lễ hội đền Gióng từ năm 2018 đã bỏ nghi thức cướp lộc hoa tre; lễ hội cướp phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) năm nay đã đổi cướp phết thật sang trò diễn...

Trong khi đó, ở nhiều nơi sự chuyển biến về nhận thức còn chậm hoặc không thay đổi, thậm chí sa sút. Đáng chú ý, vì nhiều lý do, nhất là vì mục đích lợi nhuận, không ít địa phương đã “nâng tầm” quy mô lễ hội làng nhằm thu hút nhiều người tham gia, hậu quả là sự quá tải về không gian tổ chức, mất kiểm soát về chương trình cũng như vệ sinh môi trường và các dịch vụ “ăn theo”... Có nơi, cán bộ chính quyền nắm vai trò tổ chức và các vị trí chính yếu, làm người dân từ vai trò chủ thể lễ hội biến thành “khách”. Một số lễ hội làng “đón khách”, “đãi khách” bằng những dịch vụ mang tính tận thu, tạo ra những ấn tượng xấu.

Gắn với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa

Mùa lễ hội năm 2019 là mùa lễ hội đầu tiên được quản lý theo Nghị định 110/2018/NĐ-CP “Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội” của Chính phủ. Theo đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch không còn quyền cấp phép lễ hội; chủ tịch UBND các cấp được ủy quyền phê duyệt cho phép tổ chức các lễ hội trên địa bàn...

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thế Hùng:
Hài hòa giữa chính quyền và cộng đồng

Theo tập quán, hầu hết lễ hội làng đều do cộng đồng người dân trong làng quyết định và thực hiện, người dân đóng vai trò chủ thể lễ hội. Trong thời đại mới, khi lễ hội cổ truyền đã có nhiều thay đổi cộng thêm những sự kiện mới được tổ chức mang tính chất lễ hội, vì vậy bên cạnh vai trò của cộng đồng cần phải có sự quản lý của cơ quan chức năng được Nhà nước giao quyền.

Sự quản lý đó không phải là bao cấp, làm thay mà là chỉ đạo, định hướng và tạo những điều kiện thuận lợi để lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, đúng mục đích, có tác dụng tích cực, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Sự tham gia của các ban, ngành, chính quyền hay đoàn thể ở địa phương (nếu có) phải có sự phân định trách nhiệm rõ ràng, hài hòa giữa các bên.


Ở cấp độ làng xã, vấn đề quan trọng nhất trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội làng là phải phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, phù hợp với phong tục tập quán địa phương, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Những giải pháp (không mới) nhưng cần được thực hiện triệt để và đồng bộ là: Hoàn thiện bộ máy tổ chức và quản lý lễ hội (gồm đại diện lãnh đạo thôn, Hội Người cao tuổi, ban khánh tiết đình làng..., có thể có đại diện của ngành Văn hóa cấp huyện và chính quyền cấp xã); hoàn thiện nội dung, chương trình tổ chức lễ hội; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến các văn bản về quản lý lễ hội; tăng cường quản lý, bảo vệ di tích, cảnh quan nơi tổ chức lễ hội; quản lý các nguồn lực tổ chức lễ hội (nhân lực, tài chính); quản lý công tác đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh lệch lạc; xử lý vi phạm...

Trong tương lai, khi phần lễ có xu hướng thu hẹp lại còn phần hội ngày càng mở rộng, ngành Văn hóa cần sớm nghiên cứu, đề xuất các mô hình tổ chức, quản lý lễ hội làng và công bố rộng rãi, lấy ý kiến của chính quyền cùng người dân địa phương để có được sự đồng thuận trong cộng đồng. Trong phạm vi lễ hội làng truyền thống thì mô hình tổ chức, quản lý phù hợp nhất là trao quyền để cộng đồng tự quản, chính quyền cấp xã và ngành Văn hóa cấp huyện giữ vai trò giám sát. Mô hình này chính là sự tiếp nối mô hình truyền thống, tiếp tục đề cao vai trò chủ thể sáng tạo của cộng đồng người dân trong việc tổ chức lễ hội, bổ sung thêm yếu tố quản lý của các cấp, ngành hữu quan. Căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương, có thể kết hợp vai trò tự quản của cộng đồng dân cư với sự hỗ trợ của các cấp, ngành hữu quan (về tổ chức, kinh phí, bảo đảm an ninh trật tự)...

Để đạt được những yêu cầu đó có rất nhiều việc phải làm, trong khi điều kiện ở các thôn làng nhìn chung còn nhiều khó khăn, rất “bí” về nguồn nhân lực tổ chức, quản lý lễ hội. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp và ngành Văn hóa cần sớm có chế độ, chính sách đãi ngộ các nghệ nhân dân gian để mở lớp trao truyền kiến thức, kinh nghiệm thực hiện nghi lễ của lễ hội làng nhằm tạo ra các thế hệ kế cận, góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Lễ hội làng là di sản văn hóa, là sinh hoạt văn hóa cộng đồng hấp dẫn nhưng đang có sự biến đổi mạnh mẽ, vì vậy công tác tổ chức, quản lý cần thay đổi tích cực. Mọi nỗ lực của Nhà nước, các cấp, ngành và cộng đồng đều phải hướng vào mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của lễ hội, để di sản ấy thực sự là một nguồn lực tinh thần to lớn cho toàn xã
hội.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh Hào:
Phải rõ chất văn hóa trong tất cả các khâu

Lễ hội làng là tổng thể phức hợp giữa lễ và hội. Phần lễ (nghiêm cẩn) là yếu tố gốc nhưng phần hội (vui vẻ) là phần chủ yếu đem lại sự hứng khởi cho những người tham dự. Dù tổ chức ra sao, quy mô thế nào thì vấn đề quan trọng nhất là phải làm nổi rõ chất văn hóa trong tất cả các khâu. Muốn vậy phải có sự chuẩn bị rất kỹ trong khâu tổ chức, có sự trao truyền, huấn luyện, học tập... để có thể hành lễ và vui hội một cách văn hóa. Cần cẩn trọng trong việc tổ chức, quản lý lễ hội, tránh du nhập các yếu tố lai căng hoặc lợi dụng lễ hội để trục lợi.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề cao và phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.