Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để an toàn cho cộng đồng

Nguyễn Ngọc Tiến| 01/04/2012 05:46

(HNM) - Phát biểu tại lễ phát động chương trình "Lái xe an toàn và thân thiện với môi trường" ngày 21-3 tại Hà Nội để hưởng ứng Năm An toàn giao thông quốc gia 2012, Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Phòng, chống thương vong Châu Á, bà Lotte Brondum đưa ra con số: 97% các vụ tai nạn giao thông (TNGT) tại Việt Nam bắt nguồn từ ý thức và văn hóa giao thông. Bà L.Brondum cũng cho rằng, để giảm TNGT cần có thêm chương trình đào tạo kỹ năng...

Tai nạn do ý thức và kỹ năng lái xe kém

Số lượng ô tô, xe máy ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn năm sau cao hơn năm trước khoảng 20%. Số lượng phương tiện tăng nhanh trong khi hạ tầng tăng rất chậm không chỉ gây ra ùn tắc mà cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn. Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số thương vong do TNGT đường bộ trong năm 2011 tại Việt Nam là 10.950 người (trung bình 30 người chết mỗi ngày). Cùng số người chết còn có hàng chục nghìn người bị thương và trong số đó có rất nhiều người phải gánh chịu những chấn thương về trí não, ảnh hưởng vĩnh viễn tới cuộc sống. Tuy không thống kê đầy đủ mức độ thiệt hại về kinh tế nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì đó là con số không hề nhỏ.

Các trung tâm cần thực hiện nghiêm túc quy trình đào tạo lái xe.

Tùy theo vụ việc nhưng thực tế cho thấy khi ô tô gây tai nạn thì hậu quả thường nặng nề hơn so với xe máy. Có thể nói TNGT do ô tô gây ra có hai nguyên nhân chủ yếu là người điều khiển phương tiện thiếu ý thức và kỹ năng kém. Điển hình là những vụ ô tô va chạm với tàu hỏa do lái xe không quan sát khi đi qua đường sắt; cố tình sang đường dù biết tàu sắp đến. Hoặc những vụ tai nạn do lái xe sử dụng bia rượu nhưng vẫn điều khiển xe, chạy quá tốc độ, đi sai làn đường...

Bên cạnh đó, các chuyên gia ô tô cho rằng, kỹ năng lái xe kém cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn. Khi số xe ô tô tăng lên đồng nghĩa với số lái xe tăng lên và bên cạnh đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, còn có nhiều người lái xe không chuyên. Nguyên nhân xe ô tô gây tai nạn chủ yếu do lái xe ẩu, tay lái non, không thành thạo thao tác lái xe, không làm chủ được tốc độ và quỹ đạo bánh xe trên phố đông người. Đặc biệt, chân phải của người lái chưa có phản xạ đạp bàn phanh khi gặp tình huống cần dừng xe khẩn cấp. Nếu ở chỗ đông người thì hậu quả là khôn lường và thực tế đã xảy ra tình trạng "xe điên" đâm liên tục trên phố. Điều khiển ô tô phức tạp hơn mô tô ở chỗ chân phải người lái xe vừa phải đạp bàn ga lại vừa phải đạp bàn phanh cho ô tô dừng (bất kể là xe số sàn hay số tự động). Cho nên khi đột ngột gặp chướng ngại vật trên đường mà cần dừng ngay, người mới lái dễ đạp nhầm vào bàn ga nên gây ra tai nạn. Ngoài ra, cũng không loại trừ những trường hợp xe có lỗi kỹ thuật.

Dạy chưa bài bản, học chưa nghiêm

Không phải vô cớ mà trong buổi họp trực tuyến ngày 21-3 mới đây với các tỉnh, thành về công tác an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao năng lực cưỡng chế thi hành pháp luật thông qua việc tuần tra, kiểm soát các phương tiện giao thông, đặc biệt là trong khâu đào tạo.

Trên thực tế không ít trung tâm đào tạo lái xe vẫn chưa thực hiện đào tạo một cách nghiêm ngặt, có lẽ họ sợ dạy nghiêm khiến học viên nản sẽ sang học ở trung tâm khác. Học viên có thể ý thức rằng "học cho mình" nhưng giáo viên dạy chưa chắc đã tuân thủ nghiêm ngặt đủ chỉ tiêu cây số thực hành cho học viên trên đường. Rất nhiều người đã nhận bằng và hiện đang chạy xe thú nhận họ không được giáo viên cho thao tác "dồn số" nhiều lần, một bài học vô cùng quan trọng phòng khi xe bị mất phanh (đối với xe số sàn) và động tác dừng xe bất chợt nên đã lúng túng khi xử lý tình huống trên đường. Không chỉ làm cho học viên lúng túng mà họ còn không có phản xạ (có điều kiện) về "dồn số". Cũng vì "chiều" học viên nên có những trung tâm không chú trọng rèn luyện cho học viên thực hiện nghiêm túc "ba không": không vi phạm tốc độ, không vi phạm cự ly an toàn và không uống rượu, bia khi lái xe.

Cho dù quy trình thi lấy bằng lái ô tô hiện nay có vẻ nghiêm túc và minh bạch nhưng thực tế lại khác, học viên vẫn có thể "mua" được điểm khi họ thi trượt lý thuyết và thực hành tay lái. Nếu trung tâm đào tạo lái xe không dạy bài bản, đúng giáo trình, học viên không học nghiêm túc và chỉ chờ "nộp tiền" lấy bằng thì tai nạn không chỉ xảy ra với những học viên này mà còn tác động xấu đến xã hội.

Cả xã hội phải vào cuộc

Hưởng ứng Năm An toàn giao thông quốc gia 2012, ngày 21-3-2012, Công ty Ford Việt Nam đã phối hợp với các đối tác là Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Quỹ Phòng, chống thương vong Châu Á và VOV giao thông triển khai chương trình miễn phí "Lái xe an toàn và thân thiện với môi trường" cho những người mới lái xe. Đây là chương trình triển khai trên toàn cầu từ năm 2003 của Ford và bắt đầu thực hiện ở Việt Nam cách đây 5 năm. Chương trình do các chuyên gia giàu kinh nghiệm hướng dẫn cách lái, vào số, chân phanh, chân ga và xử lý các tình huống trên đường... Năm 2010, Ford Việt Nam đã phối hợp với VOV giao thông thực hiện chương trình này trên sóng của VOV và cho đến nay 5.000 người đã được hướng dẫn cụ thể và hàng vạn lái xe có thêm kiến thức lái xe an toàn thông qua VOV giao thông. Ở Việt Nam có khá nhiều hãng ô tô đang hoạt động với doanh số năm sau cao hơn năm trước, song dường như chỉ Ford Việt Nam có chương trình cộng đồng về giảm thiểu TNGT. Cũng trong lễ phát động chương trình "Lái xe an toàn và thân thiện với môi trường", Ford Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng những người tham gia giao thông để ngày thứ sáu hằng tuần sẽ trở thành "Ngày không còi". Tiếng còi bất ngờ hay quá lớn có thể gây nguy hiểm cho người đi bên cạnh và làm mất đi nét đẹp về văn minh đô thị.

Cùng với nâng cao ý thức chấp hành luật, thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông, mở các khóa huấn luyện kỹ năng, rất cần có thêm các biện pháp khác như công bố công khai các trung tâm đào tạo lái xe có nhiều học viên gây tai nạn; cho kiểm tra sức khỏe những lái "xe điên", lái xe không đủ sức khỏe và nghiện ma túy, kiên quyết thu giấy phép lái xe của họ. Bên cạnh đó cần tăng mức án với lái xe gây chết người để tăng tính răn đe, hiện nay theo Điều 202 Bộ luật Hình sự, lái xe gây chết người chỉ bị tù từ 6 tháng đến 5 năm và họ có thể thoát tù nếu hòa giải được với gia đình nạn nhân!

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thì hai tháng đầu năm 2012, toàn quốc đã xảy ra 1.940 vụ TNGT, làm chết 1.655 người, bị thương 1.481 người. So với cùng kỳ năm 2011 giảm 1.808 về số vụ, giảm 408 người chết và giảm 2.322 người bị thương. Đó là tín hiệu đáng mừng, song theo dư luận, để giảm TNGT trong năm 2012 và giảm từ 5 đến 10% mỗi năm thì phải thực hiện nghiêm những quy định đã có và quan trọng hơn là người lái xe phải luôn có ý thức "An toàn cho mọi người tức là an toàn cho bản thân và gia đình mình".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để an toàn cho cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.