(HNM) - Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu xây dựng các giải pháp cho Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012-2020. Trong đó việc cải cách chính sách tiền lương là mấu chốt, với hy vọng có một đề án hoàn chỉnh nhằm bảo đảm cho NLĐ có thể sống được bằng tiền lương và đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của họ và gia đình.
Để người lao động có thể sống được bằng tiền lương, cần sớm có những quyết sách phù hợp. Ảnh: Đàm Duy |
Nhiều lần điều chỉnh vẫn chưa sát thực
Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã 8 lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu (LTT) chung áp dụng cho khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN), từ 210.000 đồng/ người/tháng lên 1.050.000 đồng/ người/tháng. Trước thời điểm 30-9-2011, mức LTT chung áp dụng đối với khu vực hành chính, sự nghiệp được quy định bằng mức LTT ở vùng thấp nhất áp dụng cho khu vực DN. Từ ngày 1-10-2011, có hai hệ thống tiền LTT song song tồn tại, đó là hệ thống tiền LTT một mức duy nhất áp dụng cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và một hệ thống tiền LTT áp dụng cho khu vực sản xuất, kinh doanh, trong đó có sự phân biệt theo vùng (được chia theo 4 vùng khác nhau). Trong đó, mức LTT chung áp dụng cho khu vực NSNN trả lương lại thấp hơn rất nhiều so với mức LTT áp dụng đối với khu vực DN. Điều này đã làm sai lệch bản chất của tiền LTT, tại cùng một địa bàn có hai mức LTT khác nhau. Hiện nay có khoảng 15 triệu NLĐ làm việc trong các loại hình DN. Vì vậy, chính sách tiền lương với khu vực DN tác động trực tiếp đến đời sống 15 triệu người và khoảng 15 triệu con cái họ.
Theo bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ,TB&XH), mặc dù hệ thống LTT bước đầu đã hình thành nhưng các mức LTT hiện nay vẫn còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu tối thiểu của NLĐ. Do năng lực thỏa thuận của NLĐ và công đoàn cơ sở còn hạn chế, sức ép việc làm lớn, nhiều DN vẫn bám vào mức LTT để trả lương hoặc dùng mức LTT để trả cho NLĐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Ngoài ra, thang lương, bảng lương đối với DN nhà nước chưa trở thành thước đo để trả lương mà chủ yếu dùng để đóng BHXH (tiền lương theo thang, bảng lương chỉ chiếm khoảng 40-50%, một số trường hợp chiếm 20-30% thu nhập thực tế).
Hiện nay, mức lương tối thiểu chưa thể bảo đảm nhu cầu của người lao động. Ảnh: Gia Hiếu |
Hình thành Hội đồng Tiền lương quốc gia?
Nhiều ngày qua, có rất nhiều ý kiến đóng góp nhằm đưa ra những quyết sách phù hợp để cuộc sống tối thiểu của NLĐ được bù đắp một cách hợp lý. Rút kinh nghiệm từ những lần cải cách tiền lương trước đây, các chuyên gia, cơ quan, ban, ngành chức năng lại tiếp tục nghiên cứu và đưa ra những đề xuất mới về cải cách tiền lương giai đoạn 2012-2020 trên tinh thần bảo đảm quyền lợi và mức sống tối thiểu của NLĐ. Bà Tống Thị Minh cho rằng, xuất phát từ chức năng của LTT là bảo vệ NLĐ (đặc biệt là lao động có trình độ thấp), chống bóc lột sức lao động thì mức LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Theo đó, phương pháp xác định phải dựa vào nhu cầu tối thiểu của NLĐ (có nuôi con) là chủ đạo và có tham chiếu đến các điều kiện, khả năng của nền kinh tế, khả năng chi trả của DN, mức tiền công trên thị trường, việc làm, thất nghiệp. Các ý kiến khác cũng cho rằng ngoài mức LTT theo tháng (chia theo vùng, ngành), cần quy định mức LTT theo giờ để điều chỉnh với trường hợp NLĐ làm việc trọn thời gian theo tháng. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh tiêu chí phân vùng và hỗ trợ để một số ngành tổ chức triển khai việc ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành, hình thành mức LTT ngành.
Rất nhiều chuyên gia mong muốn hình thành Hội đồng Tiền lương quốc gia với sự tham gia của 3 bên là Nhà nước - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động cùng các đối tác xã hội để tư vấn cho Chính phủ xác định, điều chỉnh mức LTT bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ vào năm 2013. Theo ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, những việc cần làm ngay hiện nay là cải cách đồng bộ chính sách BHXH, BHYT, chính sách người có công. Cần tách hoàn toàn chính sách tiền lương khu vực ngân sách chi trả với khu vực tự trang trải. Cần xem xét năng lực, điều kiện của từng cơ quan, DN thì mới thực hiện đề án cải cách tiền lương với đơn vị đó chứ không làm đồng loạt. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có công bố mức LTT quốc gia nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu chung của toàn xã hội, làm căn cứ xác định việc làm bền vững, chống bóc lột, đói nghèo, làm chuẩn để điều chỉnh tiền lương người nghỉ hưu, trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội, chuẩn nghèo và mức miễn thuế thu nhập cá nhân. Tiền lương bình quân của cán bộ, công chức phải bằng hoặc cao hơn tiền lương bình quân của lao động trong DN.
Còn rất nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm xây dựng một đề án hoàn chỉnh. Đó là việc tăng cường quản lý tiền lương khu vực DN ngoài nhà nước; quy định bắt buộc các DN phải xây dựng thang bảng lương, định mức lao động và đăng ký với cơ quan quản lý lao động địa phương; tăng cường kiểm soát cơ chế trả lương khu vực DNNN; xây dựng cơ chế đối thoại thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể ngành hẹp; kiên trì thực hiện các biện pháp đồng bộ để kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.