(HNM) - Ngày 26-8-2020, Báo Hànộimới đăng bài “Tăng tính chủ động” đề cập đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa xây dựng dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Bài báo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Hầu hết các ý kiến cho rằng, việc xây dựng thông tư nói trên trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn dạy và học ngày càng đa dạng của giáo viên, học sinh.
Ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên):
Giúp học sinh duy trì nền nếp học tập
Trong điều kiện bình thường, hình thức dạy học trực tuyến (online) bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp trên lớp rất tốt, giúp nâng cao hiệu quả công tác này. Đặc biệt, khi học sinh phải tạm dừng đến trường do những lý do khách quan thì việc triển khai dạy học trực tuyến giúp học sinh duy trì nền nếp học tập, tạo điều kiện cho học sinh hình thành, phát triển năng lực tự chủ, tự học... Đây cũng là những năng lực cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, điểm đáng chú ý tại dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên là việc học sinh sẽ được xét, công nhận kết quả học tập trực tuyến. Quy định này được triển khai không chỉ đặt ra yêu cầu với các nhà trường trong việc chuẩn bị điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, học liệu, nguồn nhân lực, mà còn đòi hỏi học sinh phải có thái độ tự giác, nghiêm túc khi tiếp cận với hình thức học trực tuyến.
Đảng viên Nguyễn Đức Bật, Chi bộ thôn Hoa Đống, xã Trường Thịnh (huyện Ứng Hòa):
Góp phần đổi mới phương pháp dạy học
Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát, theo tôi, việc dạy học trực tuyến là phù hợp, vừa bảo đảm an toàn, vừa giúp học sinh duy trì nền nếp học tập. Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến ra đời sẽ là hành lang pháp lý cho việc dạy học trực tuyến thống nhất, bảo đảm chất lượng vì quá trình dạy trực tuyến vẫn duy trì kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Thực tế cho thấy, dạy học trực tuyến có nhiều ưu việt, tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh được chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên internet trong giảng dạy và học tập. Qua đó, giáo viên, học sinh được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy, học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Mặt khác còn tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội hình thành và phát triển nhiều kỹ năng cá nhân, đặc biệt là tăng tính tự giác.
Bà Vũ Thanh Hà, phụ huynh Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong (quận Hà Đông):
Tăng tính chủ động trong học tập
Việc triển khai học trực tuyến với mục đích hỗ trợ giảng dạy trực tiếp cũng là một bước phát triển phù hợp với phương pháp đào tạo tiên tiến, khuyến khích học sinh tự giác học tập, khai thác lợi thế của các ứng dụng internet, tăng tính chủ động của học sinh - điều mà từ trước đến nay học sinh Việt Nam còn hạn chế. Song, để phương pháp này phát huy hiệu quả, cách truyền đạt kiến thức của giáo viên cần có sự thay đổi theo hướng năng động, tạo tương tác nhiều hơn nhằm giúp học sinh hứng thú trong học tập. Đặc biệt, học sinh cần có cái nhìn đúng về lớp học trực tuyến, về tầm quan trọng ngang bằng giữa lớp học trực tiếp và trực tuyến để tránh thái độ lơ là, hay tạo ra nhiều cách đối phó khi học online. Bên cạnh đó, phần mềm dạy và học cũng cần phải được thống nhất và có tính bảo mật cao để bảo đảm không lộ thông tin cá nhân của người dùng.
Em Trần Đức Minh Tuấn, học sinh lớp 11 Toán, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An:
Người học phải có ý thức tự giác
Từ kinh nghiệm học tập của bản thân, em thấy phương pháp học trực tuyến đòi hỏi người học phải có ý thức tự giác rất cao thì mới đem lại kết quả. Trước hết, mỗi học sinh phải xác định mục tiêu mình đạt được trong từng bài học và cả khóa học. Các bạn cần chủ động trang bị cho mình vốn kiến thức căn bản để sử dụng máy tính và internet thuần thục.
Dù học online hay trực tiếp, mỗi học sinh phải rèn luyện cho bản thân tinh thần tự học để khi không có sự giám sát của thầy cô và bố mẹ, việc tiếp thu kiến thức và chủ động tìm kiếm tài liệu… vẫn diễn ra bình thường. Cũng giống như cách học truyền thống, khi có bất cứ một kiến thức nào chưa hiểu, các bạn cần mạnh dạn hỏi lại ngay để được giáo viên giảng giải cặn kẽ. Đây cũng là cách hiệu quả để tăng tính tương tác giữa giáo viên và học sinh trên môi trường online. Cuối cùng, sau khi nghe bài giảng, cách học hiệu quả nhất vẫn là làm đầy đủ bài tập giáo viên giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.