(HNMO) - Ngày 2-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp ban soạn thảo, tổ biên tập đề án Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2020-2021, tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn của cả nước, có 3.605 nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, chiếm tỷ lệ 23,3%; có 9.356 điểm trường lẻ, chiếm tỷ lệ gần 50%. Tỷ lệ trẻ em ở vùng khó khăn đến trường đạt 20% tổng số trẻ em tới trường.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chính sách cho trẻ em và giáo viên được ban hành giai đoạn vừa qua đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, đời sống của đội ngũ nhà giáo vùng khó khăn đã được quan tâm.
Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn còn gặp nhiều khó khăn như: Hầu hết các địa bàn vùng khó khăn còn nhiều điểm trường lẻ, cách xa điểm chính và khó dồn dịch; tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt 54,6%; tỷ lệ phòng học tạm, học nhờ còn 6,6%; đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học còn thiếu nhiều so với nhu cầu... Đây là những căn cứ cần thiết để xây dựng, triển khai đề án Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Bá Minh, dự thảo đề án đã phản ánh toàn diện bức tranh giáo dục mầm non giai đoạn 2016-2021. Thách thức khi xây dựng đề án là nguồn ngân sách trung hạn đã hết, không có ngân sách bổ sung, đo đó, giải pháp đưa ra là khai thác có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án có liên quan.
Dự thảo đề án tập trung đề ra các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2022-2030 như: Tăng giáo viên, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp...
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh nhấn mạnh, đề án cần đánh giá thực trạng một cách đầy đủ và chi tiết, đề xuất giải pháp phù hợp để ban soạn thảo hoàn thiện trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến.
Để thực hiện thành công đề án, cần tích hợp các chương trình, đề án đã được phê duyệt. Do đó, các đơn vị, địa phương cần rà soát kỹ các chương trình, đề án, dự án liên quan đến hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc truyền thông, nâng cao nhận thức cho người lớn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.