(HNMO) - Ngày 19/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã có buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải và các sở, ngành có liên quan...
Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet) |
Theo báo cáo của Sở GTVT, sở này được giao làm chủ đầu tư 3 dự án xây dựng các đoạn tuyến đường vành đai 2 gồm: đường vành đai 2 (dưới thấp), đoạn Vĩnh Tuy-Chợ Mơ-Ngã Tư Vọng; tuyến đường trên cao dọc đường vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở); hợp phần đường vành đai 2 thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội.
Về dự án đầu tư xây dựng đường vành đi 2 (đoạn Vĩnh Tuy-Chợ Mơ-Ngã Tư Vọng), tuyến đường có chiều dài hơn 3.000m, được thiết kế đồng bộ các hạng mục nền, mặt đường, cầu vượt sông, vỉa hè, tổ chức giao thông, cây xanh, thoát nước, chiếu sáng và một số công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư là 4.967 tỷ đồng.
Dự án đã hoàn thành cắm 247 mốc chỉ giới phục vụ giải phóng mặt bằng, hiện đang khảo sát, di chuyển các công trình ngầm nổi và phối hợp với Sở Xây dựng để bố trí quỹ nhà tái định cư. Dự kiến, thiết kế thi công sẽ được trình UBND thành phố Hà Nội vào tháng 11/2013. Quyết định thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng được đưa ra vào thời gian trên. Theo chủ đầu tư, khó khăn của dự án hiện nay là chưa có quỹ nhà tái định cư.
Hợp phần xây dựng đường vành đai 2 (đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy) gồm 5 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu xây dựng hệ thống chiếu sáng, có chiều dài 6,1km, đang triển khai thi công 4 gói thầu với chiều dài 4,9km; còn lại 2 gói thầu là xây dựng nút giao thông Bưởi (dài 1,18km) và xây dựng hệ thống chiếu sáng đang tiến hành thủ tục đấu thầu, dự kiến khởi công xây dựng trong quý 1/2014.
Khó khăn cơ bản của các gói thầu này là GPMB. Cụ thể, tại gói thầu xây dựng đường từ Nhật Tân đến Xuân La, còn tồn tại mặt bằng của 18 phương án đền bù với tổng diện tích 3.200m2/120.000m2. Hay như gói thầu xây dựng đường từ Xuân La đến Bưởi còn vướng mặt bằng của 259 phương án đền bù (quận Tây Hồ là 116 phương án, quận Cầu Giấy là 143 phương án). Trong khi đó, theo tiến độ cam kết với World Bank, phải GPMB xong trên địa bàn quận Tây Hồ trước 30/4/2014 và quận Cầu Giấy là trước 30/5/2014.
Gói thầu xây dựng đường từ Bưởi đến Cầu Giấy, sau khi đã bàn giao được khoảng 73% diện tích mặt bằng gói thầu thì hiện còn 105 phương án đền bù trên địa bàn quận Ba Đình.
Ban Quản lý các dự trọng điểm Phát triển đô thị Hà Nội thực hiện dự án giao thông trên tuyến vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục), dự án đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng), dự án nút giao thông Ô Chợ Dừa, dự án nút giao thông Bắc Hồng, Đông Anh.
Tại dự án đường vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu), hiện đã thu hồi mặt bằng của 445/480 phương án đền bù với diện tích khoảng 25.500m2/29.000m2, đạt 88%, còn 35 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, trong 35 hộ trên, đến thời điểm này đã có hơn 20 hộ đã tự nguyện bàn giao mặt bằng. Vì thế, dự kiến từ ngày 27/9 đến 30/9/2013 sẽ tổ chức cưỡng chế 20 trường hợp còn lại. Quỹ nhà tái định cư đã được bố trí là 498 căn.
80m phía đầu đường Hoàng Cầu đã hoàn thành thảm mặt đường (trên 4.000m2). Từ tháng 6/2013 đến nay, 21.500m2 đã được bàn giao để thi công trên toàn tuyến còn lại nhưng mặt bằng bị “xôi đỗ”: phía trái tuyến còn 241m2, phía phải còn 3.255m2 chưa thu hồi được. Do vậy, thời điểm hiện tại chỉ đủ mặt bằng để thi công tuyến (phía trái) trong tháng 12/2013. Nếu có 3.500m2 mặt bằng còn trước ngày 30/9 thì sẽ thi công trên đủ mặt cắt ngang thiết kế, bảo đảm thông xe trước ngày 31/12/2013.
Tại dự án đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng), nhu cầu về tái định cư toàn dự án là khoảng 560 căn hộ, trong đó Thành phố đã bố trí 130 căn hộ nhưng 40 căn tại tòa nhà N02 khu di dân Láng Thượng chưa được bàn giao do vướng mắt thủ tục thỏa thuận cấp điện nước PCCC với đơn vị chuyên ngành, 60 căn tại khu đô thị Định Công-Hoàng Mai phải sửa chữa do xuống cấp, 30 căn tại Hạ Đình mới xong phần thô. Vì vậy, Ban quan lý kiến nghị Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng rà soát, đề xuất báo cáo UBND thành phố Hà Nội về cơ chế mua lại quỹ nhà tái định cư nhà A14 khu Nam Trung Yên, nhà ở xã hội; đề xuất Sở Kế hoạch Đầu tư báo cáo Thành phố phân bổ kế hoạch vốn xây lắp 60 tỷ đồng để đáp ứng tiến độ thi công các gói thầu.
Ban quản lý cũng đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư cân đối báo cáo Thành phố bố trí kế hoạch vốn thực hiện năm 2013 cần 100 tỷ đồng để triển khai thiết kế và khới công dự án nút giao thông Bắc Sông Hồng, Đông Anh vào tháng 12/2013…
Với các dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái) và dự án được 5 kéo dài do Ban Quản lý hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái), theo Ban Quản lý, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Tài chính ban hành giá nhà tái định cư cho các khu vực đã được bố trí; bố trí đủ quỹ nhà với 250 căn trong năm 2013 (đợt 1) và 480 hộ cho đủ quỹ nhà quý I và II/2014; đồng thời bổ sung kế hoạch vốn năm 2013 cho dự án là 260 tỷ đồng.
Cũng để dự án hoàn thành và đưa vào khai thác đúng dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô 10/10/2014, Ban quản lý kiến thị UBND Thành phố chỉ đạo UBND huyện Đông Anh hoàn thành công tác GPMB 9,9ha vào quý 4/2013; bố trí bổ sung kế hoạch vốn năm 2013 là 550 tỷ đồng cho dự án.
Như vậy, khó khăn chung của các dự án là về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, nhà ở tái định cư.
Trước thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính rà soát nguồn ngân sách, đặc biệt là quỹ đất và quỹ đầu tư để phục vụ các dự án; sớm bổ sung nhà tái định cư còn thiếu cho các dự án; đồng thời ưu tiên vốn cho các dự án nhà ở tái định cư đang được thực hiện dở dang.
Phó Chủ tịch cũng yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, các quận có dự án đi qua, cố gắng hết sức để hiện thực các dự án đúng kế hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.