(HNMO) - Chuyển đổi số chính là "chìa khóa" duy nhất để hồi phục và tăng trưởng; các giải pháp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số... Đây là những nội dung được các chuyên gia, nhà quản lý đề cập tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2020 với chủ đề "Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối" vừa diễn ra.
Doanh nghiệp tăng trưởng nhờ chuyển đổi số
Từ kinh nghiệm đã triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT dẫn số liệu đến 76% doanh nghiệp bị ảnh hưởng các mức độ vì Covid-19, do vậy chuyển đổi số là chìa khóa duy nhất giúp họ vượt qua khó khăn và phục hồi tăng trưởng sau khi Covid-19 đi qua.
Lấy ví dụ về một doanh nghiệp bất động sản lớn, có đến 80% sàn giao dịch bất động sản đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng từ Covid-19 và đã áp dụng chuyển đổi số. Doanh nghiệp này đã xây dựng một nền tảng kinh doanh bất động sản hiện đại bằng sự kết hợp giữa công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI).
Kết quả, có 250.000 lượt truy cập mỗi tháng, 4.977 giao dịch thành công tính đến tháng 8-2020 (tổng giá trị hơn 18.000 tỷ đồng); biên lợi nhuận gộp đạt 41% so với mức 33% của năm 2019 nhờ tiết giảm chi phí, đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng công nghệ trong mùa dịch.
Một ví dụ thứ hai từ chính Công ty cổ phần Viễn thông FPT (thuộc Tập đoàn FPT) thực hiện chuyển đổi số bằng tối ưu hóa nguồn nhân lực cùng trí tuệ nhân tạo (AI). Doanh nghiệp này triển khai giải pháp phân công công việc tối ưu dựa vào năng lực, thời gian, vị trí địa lý của nhân viên bằng Core AI engine cho 6.500 kỹ thuật viên bảo trì cho khách hàng. Kết quả, sau 12 tháng triển khai đã tiết kiệm 65 tỷ đồng chi phí vận hành và nhân sự, tăng 27,6% năng suất lao động của 6.500 nhân viên kỹ thuật...
Theo ông Hoàng Việt Anh, có 3 lý do thành công chuyển đổi số, là chọn phương pháp luận chuyển đổi số đúng ngay từ đầu, quyết liệt thực thi chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin và kiên trì chuyển đổi nguồn nhân lực số.
"Covid-19 gây ra những ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế nhưng trong nguy có cơ. Rất nhiều doanh nghiệp đã vươn lên sử dụng công nghệ như một chìa khóa để vượt qua khó khăn và phục hồi vươn lên", ông Hoàng Việt Anh nhấn mạnh.
Về cơ hội từ chuyển đổi số, ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (thuộc VNPT) cho biết, hiện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tăng mạnh nhu cầu trực tuyến (họp trực tuyến, đào tạo trực tuyến...); cùng với đó là nhu cầu khám chữa bệnh từ xa của người dân, nhu cầu sử dụng eKYC (định danh, xác thực điện tử), ký hợp đồng điện tử... Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số. VNPT xác định 4 vai trò chủ yếu, gồm tư vấn, cung cấp các giải pháp, trong đó đi đầu chuyển đổi số trong các lĩnh vực thiết yếu (như y tế, giáo dục...) và phát triển các nền tảng cho chuyển đổi số.
Phát triển doanh nghiệp nền tảng
Trả lời câu hỏi về việc làm thế nào đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều lần nhấn mạnh về khát vọng cứ 1.000 người dân sẽ có 1 doanh nghiệp công nghệ số để mang công nghệ vào từng ngõ ngách của cuộc sống. Để làm được điều này, các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, VNPT, FPT... phải phát huy vai trò của mình, tập trung vào hạ tầng và nền tảng, thay vì cạnh tranh với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cùng quan điểm, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), ông Trương Gia Bình cũng cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp lớn cùng ngồi để bàn việc xây dựng một "sân chơi" tốt cho toàn ngành, để ai cũng có quyền được đóng góp. "Đây là một bài toán VINASA cần suy nghĩ, nghiên cứu và chắc rằng năm 2021 phải bắt đầu hành động", ông Trương Gia Bình đề xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Diên Hy cho biết, VNPT cũng nhận thấy trách nhiệm của tập đoàn lớn trong việc thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Vì vậy, thời gian qua, VNPT triển khai một loạt hoạt động, trong đó đã làm việc với các hiệp hội như Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh (đầu tháng 12-2020), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (tháng 11-2020) để tìm ra được những cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ quy mô nhỏ đang có những sản phẩm cần phát triển mạnh.
"Chúng tôi cam kết đồng hành không chỉ với các doanh nghiệp có mong muốn chuyển đổi số mà cả với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để cùng xây dựng nền tảng chuyển đổi số vững mạnh, góp phần vào thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia", ông Ngô Diên Hy khẳng định.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, đại diện VINASA kỳ vọng, diễn đàn năm nay sẽ bồi đắp thêm vào không gian tri thức chuyển đổi số những kinh nghiệm thực tiễn sống động và các giải pháp hiệu quả để cộng đồng doanh nghiệp Việt có thể tham khảo, lựa chọn cho hành trình của mình, qua đó tích cực kết nối hợp tác cung - cầu về chuyển đổi số.
Tiếp tục chương trình Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông, lúc 9h hôm nay, 15-12, diễn ra 6 hội nghị chuyên đề xoay quanh việc chuyển đổi số trong 6 ngành và lĩnh vực trọng điểm: Nông nghiệp, y tế, logistics, tài chính - ngân hàng, sản xuất công nghiệp và nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.