Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh xuất khẩu để kéo tăng trưởng nông nghiệp

Ngọc Quỳnh| 31/03/2023 13:38

(HNMO) - Quý I-2023, ngành Nông nghiệp thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát trong bối cảnh giá vật tư, nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá... - Đây là những nội dung được thông tin tại họp báo thường kỳ quý I và triển khai nhiệm vụ quý II do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 31-3

.

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 3 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của nông, lâm, thủy sản ước đạt  2,52% so với cùng kỳ 2022, trong đó, nông nghiệp tăng 2,43%, lâm nghiệp tăng 3,66% và thủy sản tăng 2,68%.

Bên cạnh đó, sản xuất trồng trọt vẫn ổn định. Sản lượng nhiều loại cây lâu năm chủ lực tăng, trong đó giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,5% tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung. Đến nay, cả nước đã thu hoạch được hơn 1,35 triệu ha lúa, tăng 5,9%, năng suất bình quân đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6%. Sản xuất thủy sản trong quý I-2023 có nhiều biến động trong bối cảnh thị trường xuất khẩu giảm mạnh ở những tháng đầu năm. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 1,889 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về chăn nuôi, dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt nhưng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá lợn hơi vẫn ở mức thấp, trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, việc giảm giá lợn hơi không chỉ ở Việt Nam mà là xu hướng tác động toàn cầu do dịch Covid-19 gây đứt gãy. Ngoài ra, đến thời điểm này, chưa thể khẳng định được đến khi nào giá thức ăn chăn nuôi ổn định trở lại. Thêm vào đó, sức mua giảm, trong khi năng suất, chất lượng được cải tiến và tăng cao.

Giá lợn hơi vẫn ở mức thấp.

GGiá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I-2023 đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý II-2023, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị toàn ngành 2,9 - 3,0%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 14 tỷ USD. Ông Nguyễn Văn Việt khuyến nghị, các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; chỉ đạo chăm sóc và thu hoạch lúa vụ đông xuân, vụ hè thu sớm; đặc biệt lưu ý bảo đảm nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Đối với chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh cho biết, Cục Chăn nuôi phối hợp với các tỉnh, thành phố hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cụ thể để giảm giá thành sản xuất như: Hỗ trợ cho hộ chăn nuôi nhỏ phối trộn thức ăn chăn nuôi tại chỗ nhằm giảm giá thành, tận dụng tối đa nguyên liệu của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật theo mục tiêu đa giá trị. Cục Chăn nuôi đã báo cáo Bộ về khai thác ngách hẹp đối với thức ăn chăn nuôi, đó là đề xuất giảm 2% thuế với đậu tương và khô dầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có báo cáo Chính phủ để điều chỉnh mức thuế về 0%.

Sản xuất nông nghiệp cần gắn với thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, tthị trường là “đầu kéo” cho sản xuất nông nghiệp, nên phải tập trung đẩy mạnh xuất khẩu để đẩy giá trong nước. Ngoài ra, giải pháp quan trọng là sản xuất phải gắn với thị trường để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Cùng với đó, các địa phương theo dõi tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các loại bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và các dịch bệnh trên đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra... để ứng phó kịp thời, bảo đảm hiệu quả sản xuất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh xuất khẩu để kéo tăng trưởng nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.