(HNMO) - Hội nghị triển khai cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hà Nội và 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng đã được Ban tổ chức triển khai cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội tổ chức ngày 6-8, tại Hà Nội. Hội nghị đặt ra yêu cầu về đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu
Ngày 28-2-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 248/QĐ-TTg thành lập Ban tổ chức triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. Quyết định này nêu rõ, cần xác lập một số yêu cầu quan trọng, định nghĩa cụ thể về xây dựng, thực hiện văn hóa doanh nghiệp như: Doanh nghiệp biết tuân thủ pháp luật, hướng tới mục tiêu cùng phát triển và sự đóng góp cho xã hội; cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng đạo đức kinh doanh; không lãng phí, không tiêu cực, hối lộ; không gây ảnh hưởng đến môi trường và làm tốt trách nhiệm xã hội, hướng tới giá trị nhân văn...
Theo ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban tổ chức Cuộc vận động, văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, ý nghĩa, niềm tin chủ đạo; nhận thức và phương pháp tư duy của các nhân viên trong tổ chức. Mỗi công ty đều có sẵn văn hóa nhưng văn hóa doanh nghiệp phải phù hợp, từ đó sẽ hỗ trợ việc định hướng, đồng bộ hành vi của tất cả nhân viên, cùng hướng tới mục tiêu chung, nâng cao năng suất lao động, tạo động lực phát triển bền vững...
Đến nay, một số công ty, doanh nghiệp lớn, có tầm vóc và thương hiệu như Tập đoàn FPT, Tổng công ty May 10... đã chủ động xây dựng văn hóa doanh nghiệp, từ đó ngày càng phát triển, tạo được sự kết hợp hài hòa giữa kết quả kinh doanh, thu nhập và giá trị tinh thần cho người lao động. Những kết quả thực tế đó trở thành tài sản tinh thần, là “hồn cốt” của doanh nghiệp cũng như thúc đẩy sự gắn kết nội bộ, cùng phát triển và hướng tới sự thịnh vượng.
Bà Bùi Nguyễn Phương Châu, Giám đốc truyền thông Tập đoàn FPT cho biết, sở dĩ đơn vị có tốc độ phát triển nhanh, bền vững từ khi thành lập đến nay một phần là do sớm xác định việc xây dựng, thực hiện văn hóa doanh nghiệp.
FPT xác định văn hóa doanh nghiệp nhằm thỏa mãn mục tiêu phát triển thông qua khoa học, công nghệ, đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng; góp phần chấn hưng kinh tế đất nước; hướng tới sự đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần cho người lao động. Đặc biệt, mỗi cá nhân đều được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy năng lực sáng tạo, phát triển tốt nhất cũng như được đánh giá đúng sự đóng góp, giá trị lao động của mình.
Khai thác, phát huy nguồn "tài sản" quý
Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của Công ty Nielsen Việt Nam (chuyên về thông tin và đo lường), văn hóa doanh nghiệp thể hiện sự khác biệt giữa đơn vị này với đơn vị khác.
"Mọi thứ có thể sao chép, trừ yếu tố văn hóa, cũng như qua đó xác định sứ mệnh, tầm nhìn và khát vọng của một doanh nghiệp. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp coi nhân viên là “tài sản” quý giá của mình", bà Đặng Thúy Hà khẳng định.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là “phần hồn" của mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh; là tài sản vô hình nhưng cũng là yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Thực hiện văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ là một điều kiện đủ giá trị để lôi cuốn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về đầu quân, góp sức phát triển doanh nghiệp.
Chia sẻ ý kiến về tầm quan trọng và yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng, thực hiện văn hóa doanh nghiệp, bà Dương Thị Liễu, Viện trưởng Viện Văn hóa doanh nghiệp nhấn mạnh, đây là yêu cầu quan trọng, có tác dụng thiết thực và gắn chặt với yêu cầu phát triển lâu dài của các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Theo bà Dương Thị Liễu, cơ quan chức năng, địa phương cần vào cuộc đồng bộ, triển khai những hoạt động thiết thực như đôn đốc, khuyến khích nghiên cứu xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn cũng như quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng để nhân rộng điển hình.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp liên tục, có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế của Thủ đô. Thành phố Hà Nội luôn ủng hộ doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
"Trước yêu cầu phát triển bền vững, mỗi đơn vị cần quan tâm thỏa đáng cho việc xây dựng, thực hiện văn hóa doanh nghiệp, tạo ra giá trị và bản sắc riêng, nhưng phù hợp và gắn kết với các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần tập trung vào một số nội dung quan trọng như tự giác tuân thủ pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, thực hiện đạo đức kinh doanh cũng như hợp tác, hỗ trợ đối tác", Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, các cơ quan hữu quan cũng cần chủ động trong hợp tác, triển khai xây dựng, thực hiện văn hóa doanh nghiệp, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để thu được kết quả thực chất và bền vững trên diện rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.