(HNM) - Văn hóa doanh nghiệp ngày càng được nhiều đơn vị chú trọng xây dựng. Đây là tiền đề tạo nên môi trường làm việc chuyên nghiệp, giúp nâng cao năng suất lao động, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới.
Tập trung vào công tác tuyên truyền
Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, quan hệ văn hóa công nhân - văn hóa doanh nghiệp luôn được coi trọng. Theo Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan, mối quan hệ giao tiếp giữa người lao động với nhau, người lao động với lãnh đạo được xác lập bằng những hình thức quy ước mang tính biểu tượng, thúc đẩy sự tin cậy, hiểu biết, góp phần xây dựng con người - nguồn lực tạo ra giá trị vật chất, lợi ích kinh tế. Quá trình triển khai, Công đoàn đã trở thành một yếu tố quan trọng bồi đắp, tái tạo và lan tỏa văn hóa cho toàn thể người lao động.
“Trong các chương trình hoạt động lớn, Công đoàn đều lồng ghép và chuyển tải các giá trị văn hóa, phương châm hành động, sứ mệnh, tầm nhìn của ngành Dầu khí đến với người lao động. Đồng thời, Công đoàn cũng có những kênh truyền thông về văn hóa như website, fanpage, bản tin đối với gần 6.000 đoàn viên, công nhân, lao động, đóng góp quan trọng vào kết quả giữ gìn, xây dựng và tái tạo văn hóa dầu khí cũng như việc chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động”, bà Nghiêm Thùy Lan chia sẻ.
Công ty cổ phần TKG Tae Kwang Vina có 34.000 công nhân, lao động đến từ mọi miền Tổ quốc. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần TKG Tae Kwang Vina Đinh Sỹ Phúc, khi mới đến làm việc, nhiều người chưa biết đến văn hóa doanh nghiệp. Tổ chức Công đoàn đã tuyên truyền cho họ thấu hiểu, một trong những giá trị của doanh nghiệp đó là sự công bằng trong đối xử với người lao động. Để làm được điều đó, việc tổ chức đối thoại với người lao động tại nơi ở, nơi trọ, nơi làm việc được thực hiện thường xuyên.
“Doanh nghiệp chúng tôi thành lập ở Hàn Quốc 28 năm và khi sang Việt Nam có nhiều yếu tố chưa phù hợp với văn hóa tại đây. Thông qua quá trình lắng nghe, thấu hiểu công nhân, Công đoàn đã xây dựng chương trình, kế hoạch, đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh phù hợp với chiến lược kinh doanh và văn hóa công nhân, lao động tại Việt Nam”, ông Đinh Sỹ Phúc nói.
Nhấn mạnh vai trò của Công đoàn trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Uông Quang Huy cho rằng, có 3 giá trị của văn hóa doanh nghiệp liên quan gần gũi nhất đến hoạt động Công đoàn gồm: Xây dựng môi trường làm việc tốt, tạo động lực cho người lao động; tạo nên những sản phẩm dịch vụ tốt, từ đó tạo ra việc làm và thu nhập; cải thiện phúc lợi của người lao động.
“Vì vậy, Công đoàn nên chủ động phối hợp với chủ doanh nghiệp để xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh. Tiêu biểu là nâng cao nhận thức của người lao động về văn hóa doanh nghiệp; tuyên truyền vận động họ thực hiện tốt nhiệm vụ và cuối cùng là xây dựng cảnh quan môi trường làm việc”, ông Uông Quang Huy nhấn mạnh.
Tương tự, Phó Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Ngành khai thác than và người thợ mỏ đã tạo ra những dấu ấn riêng ở một vùng tài nguyên rộng lớn. Tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” đã trở thành “phông” văn hóa rất riêng của các doanh nghiệp ngành than, giúp toàn ngành vượt qua mọi khó khăn để khẳng định là một trong 3 trụ cột an ninh năng lượng quốc gia.
Tạo sự gắn kết bền chặt
Bên cạnh những điểm sáng, theo Phó Trưởng ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, không thể đánh giá văn hóa doanh nghiệp tốt khi doanh nghiệp còn vi phạm pháp luật liên quan đến Công đoàn, an toàn vệ sinh lao động… “Tôi tham gia các hoạt động giám sát, thanh tra của Công đoàn, hay liên ngành, bình quân mỗi cuộc phát hiện ít nhất 10 hành vi vi phạm. Điều này cho thấy bức tranh văn hóa doanh nghiệp còn nhiều vấn đề để chúng ta xem xét thấu đáo và nỗ lực giải quyết”, ông Lê Đình Quảng nói.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cũng cho rằng, trong nhận thức và hành động, không ít doanh nghiệp, doanh nhân còn quá thiên lệch về kinh tế mà chưa xem trọng đúng mức văn hóa, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với xã hội. Từ đó, dẫn đến một bộ phận người lao động chưa được thụ hưởng đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, thậm chí còn là khó khăn, tẻ nhạt.
Từ thực tiễn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đúc kết, văn hóa doanh nghiệp tốt, công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi của Công đoàn cho người lao động sẽ bớt “nhọc nhằn” hơn. Văn hóa chính là sự gắn kết keo sơn giữa doanh nghiệp và người lao động. Nếu doanh nghiệp không có những giá trị văn hóa cốt lõi sẽ khó phát triển bền vững. Do đó phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa văn hóa doanh nghiệp, gắn với xây dựng văn hóa công nhân, chăm lo phát triển giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, vững mạnh. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với các ngành phát triển các điểm sinh hoạt văn hóa, nhà văn hóa lao động góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tăng cường sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.