Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh thi đua yêu nước trong bối cảnh mới

Vũ Duy Thông| 11/06/2013 05:31

(HNM) - Hôm nay là dịp kỷ niệm lần thứ 65 Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước. Nhớ tới Bác Hồ và tư tưởng của Người, mỗi người trong chúng ta càng đinh ninh lời dặn dò Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua của Người.

Trải qua 65 năm hưởng ứng lời kêu gọi của Người, phong trào thi đua yêu nước ngày càng đi vào chiều sâu và lan rộng, mang lại hiệu quả to lớn, có ý nghĩa quyết định đưa sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược giành độc lập tự do cho đất nước, đã dấy lên hàng loạt phong trào rộng khắp trong toàn quốc học tập các tấm gương tiên tiến trong mọi mặt đời sống, các anh hùng, liệt sĩ tiêu biểu, đánh giặc lập công, xây dựng hậu phương vững mạnh, mang lại thắng lợi to lớn. Tiếp theo đó, nhiều người còn nhớ ý nghĩa và hiệu quả các cao trào thi đua: Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Cờ Ba Nhất, Trống Bắc Lý trên miền Bắc những năm đầu đấu tranh thống nhất đất nước, mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào thi đua giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn, giữa các vùng miền, lứa tuổi diễn ra hết sức sâu rộng. Không thể kể hết được các phong trào sôi động một thời, thu hút hàng chục triệu con người như: Ba đảm đang, Cánh đồng 5 tấn, Chiếc gậy Trường Sơn, Tiếng hát át tiếng bom, Làm nghìn việc tốt hoặc Dũng sĩ diệt trực thăng, Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Dũng sĩ diệt Mỹ, v.v… ở cả hai miền Nam - Bắc. Có thể nói suốt 65 năm qua, trên đất nước ta đã diễn ra cuộc thi đua thường xuyên, không ngừng nghỉ, trên tất cả các lĩnh vực hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đời mình đã viết 40 bài báo, văn kiện về chủ đề thi đua yêu nước và hầu như trong các lần nói chuyện với cán bộ, nhân dân, Người đều nhắc nhở mọi người phải thi đua. Với Người, như trong Lời kêu gọi đã nói, thi đua là biểu hiện thực tế của lòng yêu nước, mục đích của thi đua là vì nước vì dân: Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua. Thi đua gồm tất cả mọi người, mọi ngành, mọi địa phương, không kể nam nữ, già trẻ, dân tộc, địa phương… Trong mỗi ngày, mỗi công việc đều phải thi đua. Tư tưởng của Người về thi đua yêu nước đã góp phần to lớn vào thắng lợi của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến và vẫn còn nguyên tính thời sự nóng bỏng đối với hôm nay, khi cả nước đang vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng nghèo nàn lạc hậu để đổi mới và phát triển…

Trong bối cảnh mới, thời kỳ mới, thực hiện mong ước của Bác Hồ, phong trào thi đua đã phát triển lên một tầm cao mới, có nhiều hình thức sáng tạo, thu hút được nhiều người tham gia. Nhiều năm qua, các phong trào thi đua Chia xẻ nỗi đau da cam, Góp đá xây dựng Trường Sa, Thanh niên tình nguyện xóa đói giảm nghèo, Góp sổ tiết kiệm vì thương binh, gia đình liệt sĩ… đã có sức lôi cuốn rất rộng rãi. Tuy nhiên, bên cạnh phong trào chung, vẫn có không ít những hiện tượng làm giảm ý nghĩa của thi đua yêu nước. Những hoạt động nặng về bề nổi, chạy theo phong trào, "đầu voi đuôi chuột" không ít. Dưới hình thức thi đua, nhiều hoạt động mang tính ganh đua, với nhiều biện pháp tiêu cực vì lợi ích nhóm. Một số ngành, địa phương còn lúng túng, không chỉ đạo thường xuyên, để phong trào thi đua trầm lắng…

Kỷ niệm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước, một lần nữa hiểu sâu sắc hơn tư tưởng của Người để đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước sát hợp với thực tiễn đời sống, vì mục tiêu đổi mới, phát triển đất nước, kiên quyết chống những biểu hiện chệch hướng, tiêu cực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh thi đua yêu nước trong bối cảnh mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.