(HNM) - Năm 2015, Việt Nam đã tăng 19 bậc so với năm trước đó trong bảng xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII 2015. Tại khu vực Đông Nam Á, chỉ số GII của Việt Nam được xếp thứ 3, sau Singapore và Malaysia.
Đổi mới sáng tạo khoa học - công nghệ được xác định là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. |
Với những bước tiến được ghi nhận, liệu hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở Việt Nam đã thực sự xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.
- Thưa Bộ trưởng, hiện nay, ĐMST đã được xác định là yếu tố vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có ý kiến nhận định rằng ĐMST tại Việt Nam chỉ mới manh nha và những doanh nghiệp ĐMST còn rất ít ỏi. Bộ trưởng có ý kiến gì về nhận định này?
- Thuật ngữ ĐMST bây giờ mới được nhắc đến nhiều. Nhưng trên thực tế, kể từ khi tiến hành đổi mới, Việt Nam cũng đã tiến hành công cuộc ĐMST. Chúng ta dần nhận thấy rằng sự đổi mới phải dựa trên nền tảng của sự sáng tạo, tức là trên nền tảng KH&CN, thì sự đổi mới ấy mới thực sự phát huy tác dụng và đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho nền kinh tế. ĐMST trong KH&CN chính là đổi mới nền kinh tế, đổi mới nền KH&CN dựa trên nền tảng của những nghiên cứu có luận cứ khoa học và đưa những tiến bộ của KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Làn sóng ĐMST ở Việt Nam, về mặt hình thức tuy mới được hình thành, mới được khởi động nhưng đã bắt rễ từ công cuộc đổi mới của Đảng trong suốt 30 năm vừa qua. Hiện nay, chúng ta đang đẩy nhanh quá trình đổi mới dựa trên nền tảng của sáng tạo, của KH&CN.
- Theo Bộ trưởng, những yếu tố cần thiết nhất để thực hiện ĐMST là gì?
- Trong xã hội, việc sáng tạo được hiểu chủ yếu liên quan đến vấn đề công nghệ, đổi mới của doanh nghiệp. Nhưng, thực tế ĐMST là cả một chuỗi khâu liên kết với nhau, từ các cơ quan nghiên cứu cho đến doanh nghiệp, nhưng điều quan trọng hơn cả là môi trường thúc đẩy ĐMST, trong đó có cơ chế. Nếu không đổi mới cơ chế làm khoa học thì không thể có ĐMST thực sự. Các nhà khoa học, các viện, các trường khi tiến hành hoạt động nghiên cứu cũng phải bám sát vào nhu cầu của thực tiễn để những kết quả nghiên
cứu của mình có thể vào được cuộc sống. Ngược lại, các doanh nghiệp hoặc những tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh nói chung cũng phải tự mình nghiên cứu những vấn đề của chính mình và làm sao tìm đến được các nhà khoa học để đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Muốn đổi mới, ngoài trang thiết bị, công nghệ, doanh nghiệp cần phải có nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng được những công nghệ mới. Cả hệ thống quản lý, quản trị doanh nghiệp cũng phải theo phương thức bảo đảm tính khoa học cũng như nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
- Trong những yếu tố vừa đề cập, đâu là khâu mà chúng ta yếu nhất, thưa Bộ trưởng?
- Khâu yếu nhất của chúng ta hiện vẫn là môi trường thể chế và pháp lý. Doanh nghiệp hiện nay đang phát triển với tốc độ rất nhanh và họ có nhu cầu rất lớn về công nghệ, cũng như nhu cầu đổi mới công nghệ trong sản xuất. Môi trường pháp lý đã dần thuận lợi hơn, đặc biệt là sau khi Luật KH&CN được ban hành, có hiệu lực từ năm 2013. Tuy nhiên, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với các nhà khoa học, hay nói khác đi là các định chế trung gian để kết nối giữa họ còn rất yếu. Vì vậy, có nhiều khó khăn để có thể đưa kết quả nghiên cứu đến được với doanh nghiệp, đưa nhu cầu của doanh nghiệp tới những người làm nghiên cứu và bàn tay của Nhà nước để hỗ trợ cho quá trình đó.
Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn sẽ có hệ sinh thái khởi nghiệp để hỗ trợ cho quá trình ĐMST và chỗ dựa của hệ sinh thái khởi nghiệp chính là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ở Việt Nam, gần như chưa có quy định pháp luật về sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm. Bởi thế, những người có nguồn vốn cũng không dám đầu tư, các nhà khoa học thì lại không có nguồn lực để nghiên cứu, doanh nghiệp cũng rất thiếu nguồn lực để đổi mới công nghệ. Vì thế, trong giai đoạn sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng nền tảng pháp lý tối thiểu cho hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm.
- Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về chiến lược ĐMST sẽ có những bước đi cụ thể như thế nào?
- Trước mắt, trong năm 2016, Bộ KH&CN sẽ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2017-2018 sẽ cùng với các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn. Chúng tôi sẽ thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao khi luật có hiệu lực. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tổ chức mô hình thí điểm. Trong 3 năm vừa qua, Bộ KH&CN đã thí điểm ở quy mô nhỏ một mô hình khởi nghiệp cũng như quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, nhưng vì thiếu căn cứ pháp lý nên mô hình này rất khó hoạt động. Khi đã có quy định của luật pháp, tôi tin là sẽ bùng nổ làn sóng đầu tư. Khi đó, các nhà khoa học, đặc biệt là giới trẻ có tinh thần khởi nghiệp, có ý tưởng sáng tạo sẽ có được nguồn đầu tư lớn từ Nhà nước và từ xã hội để họ có thể thành công trong quá trình khởi nghiệp.
Trong tương lai, nếu hầu hết doanh nghiệp khởi nghiệp đều dựa trên ĐMST thì chúng ta sẽ có đội ngũ doanh nghiệp KH&CN có sản phẩm công nghệ cao, có thể cạnh tranh được trong khu vực và trên thế giới.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.