Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh phát triển làng nghề

Đào Huyền| 05/11/2010 07:44

(HNM) - Nhắc đến Phú Xuyên là nhắc đến vùng đất trũng với gần 100 làng nghề thủ công, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng cả nước như khảm trai Chuyên Mỹ, giày da Phú Yên... Không chỉ dừng lại ở việc tạo danh tiếng cho Phú Xuyên, làng nghề nơi đây còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn trên địa bàn. Phú Xuyên xác định, phát triển làng nghề truyền thống là góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.


70% lao động có việc làm


Sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu tại làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên).
Ảnh: Thái Hiền

Phú Xuyên là một huyện thuần nông, dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, tận dụng thế mạnh đất đai, Huyện ủy Phú Xuyên đã có nhiều chủ trương để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, coi trọng việc duy trì, bảo tồn và phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề nhằm nâng cao đời sống cho nông dân. Ông Trương Thế Cầu, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên cho biết, Phú Xuyên là huyện có nhiều nghề và làng nghề truyền thống với 98 làng có nghề/138 làng toàn huyện (chiếm 71%), trong đó có 37 làng được công nhận làng nghề theo tiêu chí thành phố với những nhóm nghề như sơn mài, khảm trai, mây giang đan, đồ gỗ, da giày... Nhiều sản phẩm của các làng nghề đã và đang xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên, từ năm 2000 đến nay, sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề đạt 15%/năm. Năm 2009, giá trị sản xuất đạt gần 900 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tiến bộ theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, TTCN, dịch vụ, giảm về nông nghiệp. Ông Trần Hữu Thước, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên cho biết, làng nghề đã giải quyết trên 70% lao động nông thôn. Đơn cử như khảm trai Chuyên Mỹ thu hút 95% lao động nông thôn, số hộ khá, hộ giàu trong làng đạt 68%; làng nghề xã Phú Túc thu hút 65% lao động; làng nghề da giày xã Phú Yên thu hút trên 60% lao động... Ngoài ra, các làng nghề trên địa bàn còn thu hút hàng nghìn lao động từ các địa phương lân cận. Anh Nguyễn Lương Đức, cán bộ công thương xã Phú Yên cho biết, hiện toàn xã có trên 200 cơ sở sản xuất da giày (chủ yếu tập trung ở thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng) thu hút khoảng 2.000 lao động và hơn 1.000 lao động của các xã lân cận.

Phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

Để phát huy thế mạnh của các làng nghề, ông Trương Thế Cầu, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên cho biết, huyện sẽ tiếp tục triển khai công tác quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp làng nghề giai đoạn 2010-2015, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM). Phú Xuyên phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ có 50% số xã đạt tiêu chí xây dựng NTM. Hằng năm, huyện sẽ dành kinh phí hỗ trợ để các làng nghề đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hướng các làng nghề phát triển theo hướng hiện đại, có quy mô, có thị trường, địa phương sẽ mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về kinh tế hội nhập, maketing, xây dựng văn hóa trong kinh doanh; quảng bá, giới thiệu sản phẩm và hình ảnh làng nghề thông qua các hoạt động du lịch. Huyện sẽ hỗ trợ các làng nghề tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; từng bước triển khai xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, xây dựng trung tâm thương mại làng nghề tập trung; thành lập các quỹ tín dụng nhân dân tại các xã nghề để hỗ trợ vay vốn cho nông dân; phát triển mạng lưới giao thông… Phú Xuyên phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 13-15%/năm, thương mại - dịch vụ 11-14%/năm.

Ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận xét, địa phương nào có nhiều làng nghề thì địa phương đó sẽ sớm hiện đại hóa nông thôn, đời sống người nông dân sẽ được cải thiện, phát triển nhanh và mạnh. Điều này rất đúng với thực tế tại Phú Xuyên. Nhờ làng nghề phát triển đã giúp tăng thu nhập cho nông dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn, tạo sự ổn định ở địa phương. Minh chứng tại làng nghề da giày xã Phú Yên, năm 2009 đã sản xuất được trên 4 triệu đôi giày, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động. Giá trị tiểu thủ công nghiệp của xã ước đạt 30 tỷ đồng. "Phú Yên phấn đấu sẽ nâng giá trị sản xuất lên gấp đôi, gấp ba trong những năm tiếp theo" - anh Nguyễn Lương Đức, cán bộ công thương xã Phú Yên cho biết.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng các làng nghề ở Phú Xuyên đang gặp không ít khó khăn. Sản xuất làng nghề vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ theo quy mô gia đình là chủ yếu, mẫu hàng còn đơn điệu… Đặc biệt nhiều làng nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu của mình trên thị trường nên luôn bị động trong sản xuất, kinh doanh và bị ép giá. Ông Trương Thế Cầu cho rằng, để phát triển làng nghề truyền thống của Phú Xuyên, tạo động lực trong xây dựng NTM, thành phố và trung ương cần có cơ chế, chính sách tầm vĩ mô để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các làng nghề tháo gỡ những khó khăn về vốn, mặt bằng, thu hút đầu tư, xã hội hóa đầu tư và thu hút được nguồn lao động chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phát triển làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.