Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Minh bạch, cụ thể để hạn chế khiếu kiện

Hà Phong| 29/05/2023 07:01

(HNM) - Ngày 9-6 tới, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - chính sách giữ vai trò quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. So với dự thảo trước, dự thảo mới nhất đã có bước tiến về chất lượng. Những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cơ bản được sửa đổi khá cụ thể, bảo đảm tính minh bạch, là tiền đề hạn chế khiếu kiện.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có bước tiến về chất lượng, được sửa đổi khá cụ thể, theo hướng bảo đảm tính minh bạch.

Bồi thường, hỗ trợ tái định cư được đặc biệt quan tâm

Theo số liệu cập nhật mới nhất, đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Người dân quan tâm nhiều đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai và giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự thảo luật, việc nghiên cứu, đánh giá tác động, làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân để hoàn thiện dự án luật được Chính phủ thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo luật lấy ý kiến nhân dân. Thông tin đáng lưu ý, về thu hồi, trưng dụng đất - nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân, ban soạn thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất...

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương; giá đất bồi thường tiệm cận giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, khoản hỗ trợ… Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư và bổ sung nguyên tắc không được cưỡng chế thu hồi đất nếu chưa bố trí tái định cư hoặc bố trí tạm cư cho người có đất bị thu hồi tại Điều 84. Đồng thời, làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất, quy định về tư vấn thẩm định giá đất.

Tránh nhiều cách hiểu khác nhau

Trực tiếp gửi góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Giang, phường Bồ Đề, quận Long Biên đánh giá, Chính phủ đã thực sự lắng nghe ý kiến nhân dân trong quá trình xây dựng dự thảo luật. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điều giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, trong đó có tài chính đất đai, phương pháp, trình tự, thủ tục tính giá đất. Đây là những vấn đề đại sự, cần được luật hóa để người dân, doanh nghiệp biết, tránh nhiều cách hiểu khác nhau.

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, đây là nội dung bị khiếu kiện nhiều. Dự thảo luật tách quy định về thu hồi đất thành 2 điều, trong đó, Điều 74 quy định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và Điều 75 quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. “Cần minh bạch các quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất theo con đường hành chính. Quy định càng cụ thể càng tốt”, bà Lê Thị Nga nói.

Nhấn mạnh tính thống nhất của Luật Đất đai với các luật khác trong hệ thống pháp luật là tiền đề bảo đảm luật đi vào đời sống, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên cho biết, Khoản 1 Điều 129 của dự thảo luật quy định về quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có cách tiếp cận mới về quyền này so với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và quy định rộng hơn là quyền đối với bất động sản liền kề. Cần nghiên cứu, chỉnh lý cho “khớp” với nhau, tránh để tình trạng ách tắc, hoạt động của tổ chức, cá nhân bị đình trệ vì phải “chờ” các luật khác được sửa đổi.

Luật sư Trần Hoài Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan đến hơn 100 dự án luật và khoảng 20 luật. Do đó, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát với những dự án luật đang sửa như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… và luật này để bảo đảm tương thích. Bên cạnh đó, cần lưu ý quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất hoặc đầu cơ hoặc chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Minh bạch, cụ thể để hạn chế khiếu kiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.