(HNM) - Nhằm kiểm soát hiệu quả chất lượng nông, lâm, thủy sản, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc quản lý, ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ...
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, sau gần 5 năm thực hiện Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27-12-2014 của Bộ NN&PTNT ban hành Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, các quận, huyện, thị xã đã tích cực tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn cho các hộ sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.
Theo đó, đã tổ chức cho 183.574/200.000 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết theo quy định. Các xã, phường, thị trấn đã giao cho cán bộ thú y, bảo vệ thực vật... thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giám sát và tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở này. Qua triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2019, các quận, huyện, thị xã đã lập 118 biên bản nhắc nhở vi phạm đối với một số hộ nông dân sản xuất rau chưa bảo đảm các điều kiện sản xuất theo quy định.
Tuy nhiên, việc thực hiện ký cam kết đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ còn khó khăn. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Phùng Thị Thanh Chúc, trên địa bàn huyện có 158 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm sản; gần 6.000 hộ sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; 164 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và 125 cơ sở ấp nở trứng gia cầm... song, phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, mùa vụ, quy mô hộ gia đình, không đăng ký kinh doanh.
Khi các cơ quan chức năng kiểm tra, các hộ gia đình này hầu như "không có hàng hóa" hoặc đã bán hết hàng... rất khó cho chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm. Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư, chưa được kiểm soát thường xuyên, việc triển khai quy hoạch giết mổ trên địa bàn còn bất cập... Theo chị Hoàng Thủy, chủ cơ sở ấp nở trứng gia cầm ở xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên), đây là nghề truyền thống của gia đình có từ hàng chục năm nay, mỗi ngày cơ sở cung cấp hàng nghìn con vịt giống cho thị trường. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu và ghi chép sổ sách nguồn gốc con giống thì cơ sở chưa làm được vì "khách hàng cũng không yêu cầu"...
Để kiểm soát nguồn gốc nông sản, trước hết, các địa phương cần quản lý tốt các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát, thời gian tới, Chi cục phối hợp với chính quyền địa phương phổ biến, hướng dẫn về thực hành sản xuất thực phẩm an toàn và tổ chức cho các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc địa bàn quản lý ký bản cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; các huyện, thị xã nên thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ không chấp hành nội dung cam kết sản xuất thực phẩm an toàn.
"Chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ phải chấp hành nội dung đã cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; cung cấp thông tin liên quan khi có dấu hiệu vi phạm gây mất an toàn thực phẩm và chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước. Các xã, thị trấn cần tăng cường kiểm tra giám sát tại cơ sở nhỏ lẻ, nếu phát hiện vi phạm, cần xử lý nghiêm theo quy định. Mặt khác, các địa phương cần lập đường dây nóng để người dân thuận lợi khi tố giác cơ sở kinh doanh trái pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ từ "đầu vào" đến "đầu ra" các loại nông sản khi lưu thông" - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.