(HNM) - Việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNeID) dù mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân và cả các cơ sở khám, chữa bệnh, nhưng số người sử dụng các ứng dụng này chưa nhiều. Sau thời gian thực hiện thí điểm, đến nay, việc khám, chữa bệnh qua hình thức trên được người dân phấn khởi đón nhận vì thực hiện thủ tục nhanh chóng, thuận tiện. Song, thực tế cũng cho thấy, cần có giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai phương thức này.
Làm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện hơn
Ngày 28-2-2022, Bộ Y tế đã có Công văn số 931/BYT-BH về việc hướng dẫn triển khai thí điểm khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNeID). Quá trình triển khai cho thấy tiện ích mang lại là rất lớn.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên) sáng 8-2 cho thấy, việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thẻ bảo hiểm y tế đã giúp người dân làm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện hơn. Chị Nguyễn Thị Hằng (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) chia sẻ, trước đây mỗi lần đi khám chị luôn lo lắng mang các loại thẻ, giấy tờ để tránh tình trạng không được hưởng bảo hiểm y tế. Nay khi thẻ bảo hiểm y tế được tích hợp vào căn cước công dân gắn chíp thì chỉ cần mang 1 thẻ là xong, thủ tục cũng rút ngắn hơn.
Chị Lê Thu Hà, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, trước đây vẫn xảy ra tình huống bệnh nhân quên giấy tờ, mất thẻ bảo hiểm y tế, dẫn đến việc đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế gặp nhiều rắc rối. Việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh giúp cả bệnh nhân và bệnh viện tiết kiệm thời gian, giảm nhiều loại giấy tờ.
Tại các bệnh viện: Tim Hà Nội, Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Việt - Đức, Bạch Mai…, rất nhiều bệnh nhân phấn khởi vì thủ tục khám, chữa bệnh được rút gọn hơn. Mặc dù vậy, số bệnh nhân sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh vẫn chưa phổ biến.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội Trần Quốc Hùng, bệnh viện đã thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp, nhưng số người đến khám bằng hình thức này chưa nhiều do người dân vẫn chưa bỏ thói quen cũ hoặc nhiều người cao tuổi chưa thực hiện tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân.
Thực tế cũng cho thấy, đối với các bệnh viện có bệnh nhân tái khám hoặc khám định kỳ thường bỏ qua thủ tục xuất trình căn cước công dân vì thông tin đã được lưu giữ trên hệ thống; nhiều người chưa quen cách làm này nên cũng từ chối dùng để tránh rủi ro. Trong khi đó, cũng còn một số bệnh viện e ngại vì việc bỏ thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy sẽ khiến một số bệnh nhân quên thanh toán viện phí..., khiến số người sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh còn hạn chế...
Cần khắc phục khó khăn
Từ thực tế triển khai, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội Hà Nội) Dương Thị Minh Châu cho biết, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã gặp một số vướng mắc. Cụ thể, các đầu quét mã vạch (QRcode) tại một số cơ sở khám, chữa bệnh không đọc được QRcode trên căn cước công dân gắn chíp do đầu đọc cũ, kích thước QRcode trên thẻ chíp có diện tích nhỏ, căn cước công dân bị mờ, xước hoặc đọc được nhưng bị lỗi phông chữ đối với các chữ tiếng Việt có dấu. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã chưa được trang bị đầu quét QRcode...
Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Sinh Hiền chia sẻ, từ đầu năm 2023 đến nay, số bệnh nhân đến khám bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp tại bệnh viện chưa nhiều, chỉ chiếm tỷ lệ 5%. Bệnh viện đã sẵn sàng các quy trình đón tiếp bệnh nhân khi họ sử dụng căn cước công dân gắn chíp, nhưng còn nhiều bệnh nhân có thông tin không trùng khớp giữa thẻ bảo hiểm y tế với căn cước công dân.
Theo bà Dương Thị Minh Châu, để khắc phục khó khăn, từ ngày 27-7-2022, các đơn vị thực hiện hướng dẫn khắc phục tình trạng đầu quét QRcode khi đọc thông tin trên thẻ gắn chíp bị lỗi phông đối với các chữ tiếng Việt có dấu. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Y tế Hà Nội triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và việc thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các đơn vị.
Về lâu dài, 100% số người tham gia bảo hiểm y tế sẽ tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân. Điều này đồng nghĩa với việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám, chữa bệnh sẽ phổ cập hoàn toàn, giúp minh bạch thông tin, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp đón, tạo thuận tiện cho người dân.
Toàn thành phố Hà Nội có 585/724 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng căn cước công dân tra cứu khám, chữa bệnh (chiếm trên 80%). Trong tháng 1-2023, số lượt sử dụng căn cước công dân tra cứu khám, chữa bệnh là 468.106 lượt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.