Thị trường

Chủ động bảo đảm nguồn nông sản, thực phẩm cho Thủ đô

Quỳnh Dung 28/10/2023 - 07:24

Hiện tại, Hà Nội mới chủ động được một phần nông sản, thực phẩm, số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố bạn về để bảo đảm được nguồn cung cho người tiêu dùng Thủ đô. Do đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố bạn để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn cho thành phố.

t5-hdtt-attp.jpg
Các đại biểu tham quan gian hàng nông sản an toàn tại tọa đàm kết nối thông tin về nhu cầu thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản trong nước, tháng 10-2023. Ảnh: Trọng Tùng

Bảo đảm cung ứng nông sản cuối năm

Theo thống kê, nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng thiết yếu của Hà Nội tương đối lớn. Cụ thể, gạo khoảng 96.700 tấn/tháng, thịt lợn 19.300 tấn/tháng, thịt bò 5.350 tấn/tháng, thịt gà 6.400 tấn/tháng, trứng gia cầm 129 triệu quả/tháng, thủy sản 19.250 tấn/tháng, thực phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản 5.350 tấn/tháng, rau củ 107.500 tấn/tháng và các loại quả khoảng 56.000 tấn/tháng. Đặc biệt, nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, như: Gạo, thịt, thủy sản, rau, củ, quả, trái cây, nông sản khô... Với diện tích đất nông nghiệp khoảng 189.000ha, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên, các sản phẩm hàng hóa thiết yếu mà Hà Nội tự sản xuất mới chỉ đáp ứng từ 20% đến 70% nhu cầu. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố bạn và nhập khẩu.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, lượng hàng hóa tiêu thụ dịp Tết năm nay dự báo cao hơn 10% so với dịp Tết năm 2023. Do đó, việc cập nhật các thông tin thị trường, nhu cầu thị hiếu, xu hướng tiêu thụ trên thị trường, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến sản phẩm là rất cần thiết. Để bảo đảm nguồn cung nông sản, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố, với hơn 1.130 đầu mối cung cấp sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho Hà Nội.

Trong đó, sản phẩm gạo từ một số tỉnh phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; thịt bò từ các tỉnh: Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái; rau, củ, quả từ Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…; các loại quả từ Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La và các tỉnh phía Nam; thủy, hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; thực phẩm chế biến từ Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công thông tin, toàn tỉnh Sơn La có 5.917ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương. Sản lượng vật nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương đạt 3.469 tấn; tổng diện tích sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ đạt 8.217ha. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp tham gia cung ứng nông sản cho thị trường Hà Nội, gồm các sản phẩm thủy sản, thịt gia súc, gia cầm, rau, củ, quả các loại.

Cũng từ phía bán lẻ, ông Paul Lê, Phó Chủ tịch phụ trách Xúc tiến thương mại Tập đoàn Central Retail cho hay, để chuẩn bị hàng hóa sẵn sàng cho nhu cầu tăng cao trong dịp mua sắm cuối năm cũng như dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Central Retail đã làm việc với các nhà cung cấp trên cả nước để đặt hàng, bảo đảm đủ số lượng cần thiết, tránh xảy ra khan hiếm trong các dịp mua sắm cuối năm…

Chú trọng về chất lượng sản phẩm

Hà Nội có đa dạng các nguồn cung cấp hàng hóa, thực phẩm, nông, lâm, thủy sản, nên vấn đề bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm hết sức quan trọng. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, nhằm kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, sản phẩm nông, lâm, thủy sản lưu thông trên thị trường, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, yêu cầu khắc phục các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các cơ sở phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội tăng cường hướng dẫn, thẩm định điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở không thuộc diện cấp giấy. Hiện tại, khoảng 90% cơ sở xếp loại A, B và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong, Sơn La tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết; dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, cung cấp thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội. Cùng với đó, tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của Hà Nội trong lấy mẫu các sản phẩm và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Hà Nội cần hỗ trợ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh của các tỉnh qua các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối cung cầu trên nền tảng kỹ thuật số để nắm rõ thông tin cung cầu giữa hai bên, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ.

Để kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, việc kết nối nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội, nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các địa phương cần sản xuất theo tín hiệu thị trường để không xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố phải coi trọng chất lượng nông sản, quy chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm để cung ứng cho thị trường Hà Nội. Để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài việc biểu dương những chuỗi cung ứng an toàn, chất lượng cũng cần loại bỏ những chuỗi không đạt yêu cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động bảo đảm nguồn nông sản, thực phẩm cho Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.