Nông nghiệp - Nông thôn

Các hợp tác xã liên kết sản xuất chuỗi: Hướng đi bền vững

Bạch Thanh 20/11/2023 - 07:26

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 1.000 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đã thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.

Việc hình thành các chuỗi liên kết đã giúp các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm… hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, để các chuỗi liên kết ngày càng đa dạng, chặt chẽ và hiệu quả hơn, rất cần có cơ chế, chính sách cho khu vực này.

hop-tac-xa-rau-qua-sach-chuc-son.jpg
Dây chuyền đóng gói rau tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang

Tăng hiệu quả kinh tế

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội ưu tiên phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố, nhiều mô hình liên kết chuỗi được xây dựng thành công, phát triển các chuỗi nông sản chủ lực, như lúa gạo, rau màu, hoa, bưởi, dược liệu...

Cụ thể, trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai); chuỗi tiêu thụ sản phẩm trứng gà, lấy thương hiệu trứng sạch Tiên Viên (huyện Chương Mỹ); chuỗi thủy sản của Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng... Trong lĩnh vực trồng trọt có thể kể đến chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao Khu Cháy của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa); chuỗi rau của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ); chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi gạo hữu cơ và bưởi Diễn của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; hay một số chuỗi liên kết chăn nuôi, thủy sản hoạt động hiệu quả sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, Hà Nội cũng đã thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm. Việc lồng ghép qua các chương trình hỗ trợ, nhất là trong vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm, cũng đã phần nào khẳng định được hiệu quả của các mô hình. Theo Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có nhiều hình thức liên kết được thực hiện. Trong đó, chủ yếu là liên kết dọc: Liên kết giữa các tác nhân theo đường đi của sản phẩm (từ người sản xuất đến người tiêu dùng); và liên kết ngang: Liên kết các tác nhân, đối tượng cùng tham gia vào các hoạt động tương tự nhau (liên kết các hộ nông dân với nhau, các hợp tác xã).

Mức độ phổ biến liên kết ở các lĩnh vực sản xuất có sự khác nhau. Trong lĩnh vực chăn nuôi, liên kết được thực hiện tương đối phổ biến, có nhiều chuỗi liên kết chặt chẽ, khép kín với quy mô lớn. Còn trong lĩnh vực trồng trọt, nhất là ngành hàng rau, củ, quả, việc liên kết đang gặp nhiều khó khăn. Sự liên kết thiếu chặt chẽ, do chưa hài hòa lợi ích giữa các bên, dẫn đến hợp đồng liên kết bị phá vỡ.

Để hình thành những chuỗi liên kết hiệu quả hơn

Giá trị của các chuỗi liên kết là rõ ràng, song việc phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở các hợp tác xã vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng Vũ Khắc An (huyện Thạch Thất) cho rằng, hồ sơ để xin hỗ trợ còn rất phức tạp, các quy định chưa rõ ràng và chưa phù hợp với
thực tế địa phương. Theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các bên tham gia liên kết phải đáp ứng điều kiện bảo đảm thời gian liên kết ổn định tối thiểu 3 năm, gồm: Lúa, rau sạch chuyên canh, nấm rơm sạch… và 5 năm đối với các cây trồng, vật nuôi lâu năm, như: Xoài, nhãn, cây có múi… Do vậy, điều kiện về thời gian liên kết rất khó để thực hiện.

Đặc biệt, các chuỗi liên kết trong hợp tác xã vẫn còn lỏng lẻo, theo hình thức “thuận mua, vừa bán”, dẫn đến hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ.

Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám (huyện Chương Mỹ) cho hay, nông sản, thực phẩm sạch vẫn chiếm thị phần khiêm tốn, dẫn tới đa phần các hợp tác xã, tổ hợp tác chỉ tiêu thụ một phần nông sản, thực phẩm qua chuỗi liên kết, còn lại vẫn phải tìm cách bán qua chợ đầu mối, qua thương lái và các bên trung gian khác. Bên cạnh đó, nhận thức của một số nông dân, thành viên hợp tác xã về liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao và chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Chính vì vậy, các hợp đồng liên kết giữa người dân - hợp tác xã - doanh nghiệp vẫn còn thiếu bền vững, chưa có tính ràng buộc pháp lý. Các bên tham gia còn thiếu tin tưởng, chia sẻ với nhau, nhất là khi giá cả thị trường có sự biến động.

Do đó, để thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị, qua đó nâng cao hiệu quả của hợp tác xã, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho rằng, trước tiên, các hợp tác xã cần tiếp tục được củng cố, hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý hoạt động của hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Mặt khác, các hợp tác xã cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của mô hình hợp tác xã kiểu mới, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tổ chức, quản lý cho giám đốc và cán bộ quản lý hợp tác xã thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt chú trọng tới nâng cao tư duy thị trường, năng lực quản trị, điều hành, năng lực đàm phán, tiếp cận thị trường, duy trì quan hệ đối tác...

Hợp tác xã cũng cần mở rộng sản xuất, tham gia sâu và rộng hơn trong chuỗi giá trị sản phẩm, tham gia các công đoạn bảo quản, chế biến sản phẩm để khép kín chuỗi giá trị sản phẩm, làm tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, vì không phải chia sẻ giá trị gia tăng với các đối tác trung gian. Các hợp tác xã cần liên kết với nhau, tăng cường điều tra, nghiên cứu nhu cầu thị trường; xây dựng chiến lược sản phẩm; liên kết với các trang thương mại điện tử có uy tín để quảng bá, tiến hành hình thức phân phối sản phẩm.

“Cùng với việc thực hiện các giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm của hợp tác xã, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã từ trung ương đến địa phương để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động phát triển hợp tác xã theo chuỗi liên kết. Liên minh Hợp tác xã thành phố cần được đầu tư hơn nữa về nguồn lực để hỗ trợ, kết nối hợp tác xã về vốn, thông tin thị trường, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu”, ông Nguyễn Tiến Phong nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong:
Hợp tác xã là nòng cốt của chuỗi giá trị

Câu chuyện sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là yêu cầu mới, song trong bối cảnh hội nhập và thách thức của lối sản xuất “nặng đầu vào, bó đầu ra” như hiện nay, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong tạo dựng các chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến bàn ăn. Có thể thấy, mỗi một chuỗi giá trị đều cần gắn kết từ nhiều khâu, nhiều mắt xích, thông qua nhiều tác nhân, nhưng cơ bản nhất vẫn là mối liên kết giữa người dân - hợp tác xã - doanh nghiệp.

Để phát triển theo hướng hàng hóa bền vững, ngành Nông nghiệp cần lấy kinh tế tập thể, hợp tác xã là nòng cốt của chuỗi giá trị để đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với người dân và huy động các nguồn lực từ xã hội vào phát triển chuỗi. Nhờ đó, các hợp tác xã tổ chức lại sản xuất, phát triển và thích ứng linh hoạt trong điều kiện của thị trường, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn, nông dân cùng phát triển. Khi hợp tác xã phát triển sẽ tạo ra các chuỗi giá trị ngành hàng đủ lớn, giúp nông sản của Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường. Điều quan trọng hơn, giúp người dân sống được với những mảnh ruộng của chính mình.

Giám đốc Trung tâm Khoa học và Tư vấn phát triển OCOP Hạ Thúy Hạnh:
Huy động nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích

Liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Điều 4, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP quy định rõ 7 hình thức liên kết, trong đó đều gắn bó trực tiếp với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các hình thức liên kết có thể bao trùm toàn bộ quy trình sản xuất hoặc một phần quy trình. Trong mô hình liên kết chuỗi giá trị, hợp tác xã đóng vai trò là chủ thể của liên kết, đồng thời là đại diện của người dân trong liên kết với doanh nghiệp bao tiêu trong liên kết, cung ứng nguyên liệu.

Có thể khẳng định, việc hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ vào sản xuất là một giải pháp quan trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thì hợp tác xã là sự lựa chọn thích hợp để các hộ cá thể thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Do vậy, cần huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết chặt chẽ hơn việc liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã theo ký kết hợp đồng; xây dựng một số mô hình điểm, mang tính đột phá để nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các hợp tác xã liên kết sản xuất chuỗi: Hướng đi bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.