(HNM) - Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thời gian qua Hà Nội đã không ngừng tăng cường phối hợp, đẩy mạnh kết nối với các tỉnh, thành phố để phát triển chuỗi cung cấp nông sản an toàn. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều vướng mắc, bất cập, cần sự nỗ lực từ rất nhiều phía…
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân Hà Nội rất lớn, ước chừng mỗi tháng khoảng 7 nghìn tấn lương thực, thực phẩm, nông, lâm, thủy sản. Trong khi đó, khả năng sản xuất của Hà Nội mới chỉ cung ứng được cơ bản về sản phẩm thịt gà, thịt lợn... Còn các mặt hàng khác mới đáp ứng được một phần, như: Gạo đáp ứng khoảng 35%; thịt bò 15%; thủy, hải sản 5%... Số lượng còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.
Trước thực trạng đó, Hà Nội đã tích cực, chủ động phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong việc kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 543 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trung bình mỗi năm, các chuỗi cung cấp hàng chục triệu tấn lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.
Tuy đã có những kết quả nhất định, nhưng việc kết nối, tiêu thụ, quản lý chất lượng nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố cũng còn khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Bình Minh - chủ trang trại gà huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), do chưa đáp ứng một số yêu cầu của doanh nghiệp về tem nhãn, quy trình chăm sóc… nên số lượng thịt gà mà trang trại cung cấp cho thị trường Hà Nội mới đạt khoảng 20-30 tấn/tháng.
Về vấn đề kết nối, đưa nông sản an toàn của các tỉnh tiêu thụ tại Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Nguyễn Tiến Hưng cho rằng, chất lượng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố không đồng đều, chưa xây dựng được thương hiệu. Một số hợp tác xã chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm... những yếu tố này đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thu mua sản phẩm.
Cũng nêu một số khó khăn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: Một số tỉnh, thành phố chưa chủ động cung cấp thông tin nông sản, sản lượng để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp của Hà Nội xây dựng kế hoạch kinh doanh trong năm. Một số sản phẩm nông sản của các tỉnh chưa có tem nhãn, thông tin nhận diện, cung cấp sản phẩm không thường xuyên. Nguyên nhân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún; công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của một số địa phương chưa được chú trọng...
Cam kết đẩy mạnh công tác kết nối tiêu thụ, phối hợp quản lý chất lượng nông sản an toàn của các tỉnh, thành phố đưa về Thủ đô tiêu thụ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định: Hà Nội tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, chia sẻ thông tin về nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp trên địa bàn để các tỉnh, thành phố thuận lợi trong các hoạt động liên quan. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung; tiếp tục hỗ trợ người dân liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc xuất xứ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.