Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh kết nối, lồng ghép du lịch

Gia Bảo| 01/03/2019 07:46

(HNM) - Năm 2019, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai thi công hoàn thành nhiều dự án, luồng tuyến đường thủy nội địa để vừa kết nối với hạ tầng đường bộ và vận tải hành khách công cộng, vừa kết hợp phát triển du lịch sông nước. Thực hiện tốt vấn đề này, thành phố sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế đặc trưng.

Tuyến buýt đường sông số 1 (bến Bạch Đằng đi Linh Trung, Thủ Đức) hoạt động giúp người dân có thêm sự lựa chọn trong việc đi lại.


Đồng bộ hóa hạ tầng

Có mặt trên tuyến buýt đường thủy số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), anh Nguyễn Phước Trường (ngụ tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho hay, vào dịp cuối tuần anh thường đưa cả nhà đi chơi, thưởng thức cảnh đẹp sông nước. Mặc dù tuyến số 1 được đầu tư phương tiện đường thủy khá hiện đại nhưng do thiếu tính kết nối với loại hình vận tải công cộng, cùng với đó là hệ thống cầu cảng rời rạc, thiếu đồng bộ nên việc đi lại tham quan, du lịch chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, hệ thống đường thủy trên địa bàn có tổng chiều dài 950km. Thế nhưng, việc phát triển loại hình đường thủy nội địa còn tồn tại một số hạn chế. Đơn cử, trên tuyến sông Sài Gòn vướng cầu đường sắt Bình Lợi (quận Thủ Đức), tuyến rạch Dơi - sông Kinh vướng cầu Rạch Dơi... gây cản trở cho hoạt động của các phương tiện đường thủy. Hiện trên địa bàn thành phố có 74 bến thủy nội địa phục vụ đưa đón hành khách nhưng đa số vẫn mang tính chất tạm thời, nhỏ lẻ. Ngay cả khi thành phố đưa vào khai thác 2 tuyến buýt đường thủy (gồm tuyến số 1 và tuyến Sài Gòn - Cần Giờ - Vũng Tàu), hành khách vẫn phản ánh về sự thiếu kết nối với các loại hình vận tải khác.

Năm 2019, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai và kêu gọi đầu tư theo mô hình xã hội hóa vào nhiều tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy. Cụ thể, đó là tuyến Bạch Đằng (quận 1) - sông Sài Gòn - Rạch Chiếc - sông Đồng Nai, chiều dài tuyến 15km; tuyến sông Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Đôi (quận 8), dài 16km; tuyến sông Sài Gòn - Mũi Đèn Đỏ - sông Nhà Bè, cự ly 14km... Riêng tuyến Bạch Đằng - Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) dài 32km, dự kiến sẽ khai thác trước ngày 30-4 tới và tuyến Bạch Đằng - Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dự kiến khai thác trong tháng 3-2019.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh) cho biết, thành phố sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải đường thủy nội địa bằng các giải pháp như kết nối liên thông các loại hình vận tải bằng đường hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ...; tập trung công tác nạo vét luồng tuyến; đồng thời kêu gọi xã hội hóa đầu tư các tuyến vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy...

Kết hợp phát triển du lịch

Năm 2019, TP Hồ Chí Minh phấn đấu sản lượng vận tải hành khách thông qua cảng, bến thủy nội địa đạt 38 triệu lượt khách/năm. Hiện thành phố có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm, rất thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách như: Sông Sài Gòn, kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tàu Hủ… Thậm chí, các tàu khách quốc tế với lượng khách lớn có thể vào ngay trung tâm thành phố tại khu vực Cảng Sài Gòn - Khánh Hội, bến Bạch Đằng mà không cần trung chuyển.

Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu - đường - cảng TP Hồ Chí Minh, thành phố cần sớm triển khai thêm các tuyến buýt đường sông nhằm phát triển du lịch; tăng tính kết nối với đường bộ và phương tiện giao thông công cộng để tạo thuận lợi hơn cho hành khách đi lại và tham quan. Bên cạnh đó là cần có phương án kết hợp phát triển du lịch, thông tin, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi để người dân biết đến nhiều hơn loại hình du lịch đường thủy.

Nhằm tăng tính kết nối cho các luồng tuyến, TP Hồ Chí Minh đang đầu tư xây dựng hoàn thiện các cảng, bến và khu vực neo đậu chờ. Cụ thể, khu vực cảng tàu khách quốc tế tại Mũi Đèn Đỏ (giao nhau giữa sông Sài Gòn và sông Nhà Bè, quận 7) sẽ mở một số bến phục vụ các phương tiện thủy nội địa kết nối với trung tâm thành phố. Hiện thành phố đang quy hoạch xây dựng 10 bến thủy ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), trong đó sẽ bố trí 3 bến cho phương tiện lớn đón trả khách, 6 bến cho phương tiện nhỏ và 1 bến kết hợp neo đậu phương tiện.

Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển 7 tuyến đường thủy nhằm đưa loại hình du lịch này trở thành mũi nhọn. Theo đó, điểm xuất phát tập trung từ bến Bạch Đằng, Cầu Móng (quận 1) và bến Cảng Sài Gòn - Khánh Hội (quận 4), đi các tuyến: Du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7); rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ (quận 5, 6, 8); Đồng Nai; Vũng Tàu; Bình Dương; các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ...

Để du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh phát triển, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho hay, thành phố sẽ sử dụng quỹ đất xây dựng cảng, bến; tạo cơ chế đầu tư, quản lý cảng bến, công trình dịch vụ phục vụ du lịch. Song song đó, ngành Du lịch đường thủy sẽ phát triển thêm nhiều phương tiện, bến đậu, loại hình nghệ thuật phục vụ cho du khách tham quan ẩm thực. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giải pháp then chốt là hạ tầng du lịch đường thủy phải đi trước, kết nối giao thông thủy và bộ, sau đó mới đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; đồng thời cần phát huy vai trò chủ động của quận, huyện trong phát triển sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu du khách tham quan. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh kết nối, lồng ghép du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.