(HNM) - Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách về vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn thế nhưng đến nay, tín dụng cho khu vực này vẫn luôn gặp khó do nguồn ít, kỳ hạn vay không phù hợp với chu kỳ sản xuất, thủ tục rườm rà…
Hiện nay, tín dụng nông thôn có sự tham gia của hệ thống Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân và một số tổ chức tài chính. Tuy nhiên, mảng tín dụng chính thức này lại luôn bị lấn át bởi tín dụng phi chính thức, hay nói cách khác là tín dụng "đen". Đa số nông dân đều ngại tiếp cận hệ thống ngân hàng vì thủ tục rườm rà, việc chứng minh khả năng trả nợ phức tạp. Nhiều nông dân thay vì vay ngân hàng để trả các đại lý khi mua vật tư nông nghiệp lại chọn hình thức mua trả chậm lãi suất cao. Mặt được của hình thức tín dụng này là linh động, nhưng mặt trái dễ biến tướng thành tín dụng "đen".
Mô hình chăn nuôi giống gà ri tại Công ty CP Tiên Viên, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Viết Thành |
Dù đã có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng nông dân vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6-2016, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước đạt 886 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế. Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, sản phẩm tín dụng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn còn đơn điệu; cho vay theo chuỗi chưa phát huy hiệu quả bởi mới chỉ tập trung vào đối tượng là các doanh nghiệp (DN) mà chưa có các nông hộ sản xuất chuyên canh lớn. Thời hạn vay vốn không phù hợp với chu kỳ sản xuất, ngân hàng chủ yếu là cho vay ngắn hạn 6 tháng, 12 tháng. Các tổ chức tín dụng khi vay đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp và điều kiện ràng buộc khắt khe. Theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định 65/2010/QĐ-TTg của Thủ trướng Chính phủ về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, nếu nông dân mua máy móc tỷ lệ nội địa hóa trên 60% thì mới được ngân hàng cấp khoản vay. Tuy nhiên, do máy móc nội địa chất lượng không bảo đảm nên nông dân không muốn vay để mua. Các ngân hàng không coi giá trị hợp đồng bảo hiểm là tài sản thế chấp để có thể vay vốn ngân hàng, quy định khung giá của đất nông nghiệp của Nhà nước quá chênh lệch so với thị trường...
Đa dạng hóa sản phẩm tín dụng
Để tháo gỡ khó khăn cho tín dụng nông thôn, ông Lê Đức Thịnh cho rằng: Nhà nước cần đẩy mạnh cho vay theo chuỗi nhưng không chỉ có DN mà mở rộng có cả nông hộ, hợp tác xã (HTX). Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo cho cán bộ quỹ tín dụng vi mô, các hội đoàn thể nhận ủy thác, HTX có hoạt động tín dụng nội bộ. Nghiên cứu thành lập quỹ ủy thác tín dụng nông nghiệp để cung cấp vốn cho các HTX, tổ hợp tác, DN, trang trại. Các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu cung cấp các khoản vốn vay kịp thời, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu về vốn, phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của từng loại sản phẩm nông nghiệp. Các ngân hàng cần xem xét các điều kiện khác có thể bảo đảm thế chấp để vay vốn như: Tài sản trên đất, tài sản hình thành từ vốn vay, dự án đầu tư, hợp đồng hợp tác, hợp đồng bảo hiểm.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cho phép DN, HTX, tổ hợp tác, nông dân được sử dụng trang thiết bị cơ sở hạ tầng để làm tài sản thế chấp vay vốn thay vì chỉ trông chờ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách đề xuất: Nhà nước cần xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng cho DN nhỏ và vừa; tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là các khoản vay trung hạn và dài hạn. Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với đặc thù của chu kỳ sản xuất từng sản phẩm trong nông nghiệp; phát triển hình thức tín dụng liên kết theo chuỗi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.