Hà Nội kết nối

Cần xem xét chính sách tín dụng phù hợp cho thị trường bất động sản

Nguyễn Lê 23/08/2023 - 12:51

Hiện nay, tuy số lượng doanh nghiệp bất động sản tương đối lớn nhưng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng. Việc siết chặt tín dụng sẽ gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

anh-1(2).jpg
Các doanh nghiệp bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh đang cần tiếp sức tín dụng.

Nhu cầu vốn cao

Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, nhiều dự án bất động sản đã được UBND thành phố tháo gỡ các ách tắc về thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, phần lớn chủ đầu tư chưa thể khởi động lại dự án do gặp khó khăn về tài chính.

Bên cạnh đó, các hoạt động đầu tư, góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, hoặc để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, hoặc để bù đắp tài chính cũng bị đình trệ do khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng.

Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land (thành viên Van Phuc Group) cho rằng, nguồn vốn tín dụng ngân hàng là một trong những kênh tạo vốn quan trọng và ổn định cho doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh rất quan Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

“Cần phải có hướng dẫn chi tiết về điều kiện và tiêu chí vay mới thuận lợi cho việc áp dụng. Không có hướng dẫn chi tiết, các ngân hàng sẽ tự cân đối và đưa ra hạn mức phù hợp với ngân hàng của mình có thể sẽ gây khó cho doanh nghiệp bất động sản hiện đang rất cần nguồn vốn”, bà Hương cho hay.

anh-2(1).jpg
Một dự án nhà ở tại thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) vừa được tái khởi động.

Hiện nay, cả nước có hơn 40.000 doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 67 doanh nghiệp bất động sản là công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán (chiếm khoảng 0,16%); chỉ khoảng 9 doanh nghiệp bất động sản là công ty cổ phần đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (chiếm khoảng 0,02%).

Như vậy, đa số doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu tiếp nhận nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân, trong đó có nguồn vốn mà các nhà đầu tư vay của tổ chức tín dụng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính) cho rằng, trước yêu cầu phải vực dậy thị trường bất động sản để kích thích các ngành kinh tế khác cùng phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những điều kiện và tiêu chí về tín dụng cho vay bất động sản cần được nới lỏng, không nên hạ thấp hạn mức.

Những đề xuất mới

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang thiếu hụt dòng tiền, sụt giảm thanh khoản, thậm chí bị mất thanh khoản, trong khi các nguồn huy động vốn khác lại bị ách tắc, tín dụng ngân hàng sẽ là “phao cứu sinh” đối với doanh nghiệp bất động sản.

Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), khó khăn lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp bất động sản là thiếu hụt nguồn vốn để tái khởi động xây dựng. Nhiều doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường bởi nguồn tài chính cạn kiệt, không đủ sức duy trì bộ máy hoạt động.

Nguồn tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản đến từ 3 nguồn chính, gồm tín dụng ngân hàng, huy động từ khách hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước bối cảnh hiện nay, kênh huy động phát hành trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong khi đó, doanh nghiệp không có tài chính để tái khởi động dự án nên không thể huy động vốn từ khách hàng.

HoREA vừa đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét nên sửa Thông tư 06/2023/TT-NHNN phù hợp, bởi lẽ dự án bất động sản, dự án PPP thì chỉ cần “đủ pháp lý” chứ không nhất thiết phải “đủ điều kiện kinh doanh”, để các tổ chức tín dụng dễ hiểu, dễ làm và các chủ đầu tư không gặp trở ngại khi đề xuất vay tín dụng.

Những đề xuất này cũng nhằm thực hiện quan điểm của Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ yêu cầu “tất cả các chủ thể chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” và thực hiện Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 8-7-2023 của Chính phủ về chuyển sang thực hiện chính sách tiền tệ “chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, vấn đề cần đặt ra là phải thực hiện giải pháp “kiểm soát rủi ro” chứ không nên vì quan ngại này mà hạn chế, không cho vay tín dụng. Nếu tổ chức tín dụng thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền theo quy định “tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng” quy định tại khoản 3 Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì sẽ hạn chế được rủi ro trong việc cấp tín dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần xem xét chính sách tín dụng phù hợp cho thị trường bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.